Từng có một Garena đốt đuốc đi tìm "Huyền Thoại"
Ra mắt game thủ Việt vào năm 2012 và nhanh chóng trở thành hiện tượng, Liên Minh Huyền Thoại giờ đây đã xây chắc ngôi vị tựa game số một tại thị trường trong nước với cộng đồng người chơi khổng lồ, đồng thời phát triền được hệ sinh thái giải đấu eSports (Thể thao Điện tử) toàn diện bậc nhất Việt Nam - nếu không muốn nói là ở cả Đông Nam Á. Không chỉ vậy, trò chơi còn giúp cho Garena (VED) phát triển thần tốc và trở thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử.
Tương tự như các doanh nghiệp game "một bước lên mây" đầy đột ngột khác, ngoài việc phải liên tục duy trì/phát triển sản phẩm trấn phái Liên Minh Huyền Thoại, Garena phải xây đắp tương lai của chính mình bằng những sản phẩm kế thừa được trò chơi này - một thử thách không hề nhỏ, đặc biệt trong bối sản phẩm MOBA này đã thành công lớn như thế nào. Hành trình đi tìm một "Huyền Thoại" thứ hai này trong những năm kế tiếp đã không diễn ra suôn sẻ, nếu không muốn nói là đầy cam go.
Sau vị vua Liên Minh Huyền Thoại, Garena tiếp tục đạt được nhiều thành công với Fifa Online 3, trò chơi cũng được hãng này định hướng vận hành như một sản phẩm eSports chuyên nghiệp. Vẫn với tư duy như thế, Garena tiếp nhận Chiến Cơ Huyền Thoại, Chiến Dịch Huyền Thoại, với từ khóa may mắn "Huyền Thoại" nằm trong hai tên game Việt hóa của họ, cùng bộ khung vận hành hệ sinh thái Thể thao Điện tử thuộc vào dạng thiện chiến nhất của thị trường game Việt.
Dẫu vậy, các sản phẩm hậu Liên Minh Huyền Thoại đều không thành công trọn vẹn, Chiến Cơ Huyền Thoại không được đánh giá cao về mặt chất lượng sản phẩm, Chiến Dịch Huyền Thoại chứng kiến sự can thiệp quá sâu của đội ngũ vận hành khiến chất gameplay thuần túy của trò chơi phần nào bị ảnh hưởng. Ngay như Fifa Online 3, vốn thành công về mặt cộng đồng, nhưng lại không kiến tạo được hệ thống giải đấu thực sự chất lượng như cái cách mà Liên Minh Huyền Thoại đã làm. Đây chỉ là ba trong số những ví dụ về khả năng vận hành chưa trơn tru của Garena, khi họ bước ra khỏi lĩnh vực game sở trường. Và dĩ nhiên, suốt giai đoạn này, không một sản phẩm nào của Garena có thể so sánh với Liên Minh Huyền Thoại về mọi mặt: cộng đồng, hiệu ứng truyền thông, chất lượng trải nghiệm game...
Bước chân chậm mà chắc của gã khổng lồ
Giới báo chí ngành Game vẫn thường đùa vui, Garena biết... bay trước khi biết đi, điều này khiến cho việc thích nghi với các sản phẩm không-phải-Liên-Minh của họ gặp phải nhiều trắc trở. Tuy nhiên, có vẻ như sau thời gian xốc lại bộ máy vận hành bằng nhiều đợt cải tổ lớn cả về nhân sự lẫn tư duy, Garena đang bắt đầu tìm lại được bản sắc, sở trường và tiềm lực thật sự của chính họ sau thời gian dài không để lại dấu ấn lớn.
Sở trường đầu tiên: Hãy để Garena mua sắm những dự án game "khủng".
Không như VNG, nhà phát hành có thể vận hành cả Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile - một game "khủng" bậc nhất của thị trường châu Á nói chung - và một webgame có chi phí nhỏ hơn gấp trăm lần với cùng một quy chuẩn chất lượng như nhau, Garena gặp nhiều khó khăn với những đầu game nhỏ, có ngách tiếp cận hẹp. Vì lẽ đó, trong hai quý cuối năm 2017 và quý đầu tiên 2018, khi được trao những bảo kiếm sắc bén có chất lượng cực tốt như Blade & Soul, Liên Quân Mobile, Âm Dương Sư, DDTank,... Garena đã trở về hình hài đáng sợ và tổng tấn công thị trường game Việt.
Cũng trong quãng thời gian qua, Garena đã chứng mình được: Nói về nền tảng mobile, họ không thua kém bất kỳ đơn vị cùng ngành nào tại Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm ra mắt trên nền tảng di động thời gian qua của Garena đều gặt hái được nhiều thành công, và Liên Quân Mobile thì được xem như ví dụ chuẩn mực cho cách một trò chơi MOBA di động được vận hành, nhờ vào những ưu điểm về server, tối ưu hóa ứng dụng/phần cứng và tài nguyên máy. Điều kiện cơ sở vận hành cực tốt này là chỗ dựa vững chắc để Garena tiếp tục tấn công thị trường mobile, đặc biệt khi họ đã "lên nòng" sẵn sàng nhiều game di động "khủng" trong 3 quý còn lại của năm 2018.
Và, quan trọng hơn hết, Garena đã biết cách vượt qua những áp lực khổng lồ của Liên Minh Huyền Thoại.
Không cần phải mượn danh Liên Minh Huyền Thoại trong tựa game Việt hóa, không kiên cưỡng nhồi nhét nội dung có liên quan đến trò chơi này vào các sản phẩm hậu bối, cũng chẳng phải giăng băng rôn "Thể thao Điện tử" ở khắp mọi sản phẩm,... Garena đang cho thấy những bước chân vững chắc thoát khỏi cái bóng khổng lồ trong quá khứ của chính mình - cho dù là từng bước thật chậm. Đây là điều mang ý nghĩa lớn với bản thân Garena lẫn cộng đồng game thủ Việt Nam, bởi lẽ, chỉ khi giải thoát mình khỏi những áp lực này, Garena mới có thể tìm kiếm và đưa về những sản phẩm chất lượng đa thể loại và nền tảng khác.
FIFA Online 4 - Trận đánh lớn nhất của năm 2018
May mắn thay, khi Garena đã tìm lại chính mình và lấy lại sự kiêu hình của một nhà phát hành game tầm cỡ, họ đã mang đến cho cộng đồng game thủ Việt một trong những bom tấn lớn nhất của năm 2018: FIFA Online 4. Ngay cả cái cách mà Garena công bố việc phát hành game cũng khiến người ta phấn khích: song song với buổi họp báo giới thiệu game tại đại bản doanh của Nexon (Hàn Quốc). Chỉ nhiêu đó đã cho thấy được tham vọng, sự chuẩn bị, và khát khao lớn mà Garena gửi gắm vào át chủ bài của mình.
Tầm quan trọng của FIFA Online 4 càng được nhấn mạnh trong bối cảnh Garena đang thành công ở mảng game Mobile, thoát ly được những gò bó tâm lý của Liên Minh Huyền Thoại, và vẫn chưa có một sản phẩm nào để họ được "đã tay" thi triển pho võ công sở trường nhất của mình: Thể thao Điện tử. FIFA Online 4 chính là cơ hội này, và với một Garena đang dần lấy lại sức chiến đấu, họ sẽ khó bỏ qua cơ hội tốt.
Có vẻ như, kẻ đứng sau chiếc bóng khổng lồ ngày nào đã tìm lại chính mình, sẵn sàng để tạo ra những bản sắc mới, dù đó không phải là những giá trị cũ mang hai chữ "Huyền Thoại".
Bình luận (0)