>> Thư ngỏ gửi Bộ trưởng LĐ-TB-XH
|
Năm 2009, khi mới học xong lớp 11, Đoàn Thị Minh Trang xin được học bổng bán phần trị giá 15.000 USD/năm tại Trường Wyoming Seminary.
16 tuổi, lần đầu xa nhà, cô gái rất bản lĩnh và tự tin khi tham gia vào mọi hoạt động ngoại khóa. Sau 1 năm làm thành viên, Trang trở thành chủ tịch của CLB Môi Trường (Environmental Club) của Trường Wyoming Seminary.
Lên đại học, Trang học ngành phân tích chính sách công (Public Policy Analysis) tại ĐH Indiana. Cô gái nhỏ nhắn người Việt lại tiếp tục gây ấn tượng với các thầy cô bằng sự thông minh, năng động. Trang luôn có điểm cao và được làm trợ lý nghiên cứu cho hai giáo sư ở trường.
Một ngày cuối năm 2012, Trang được chị gái gửi cho đường link và rủ tham gia chương trình gây Quỹ Cơm có thịt cho trẻ em nghèo vùng cao VN. “Ban đầu mình không định tham gia vì chưa biết quỹ này sử dụng tiền như thế nào, có đến tận tay người nghèo không. Sau 3 tuần tìm hiểu, kiểm tra các hoạt động và số tiền sử dụng, mình mới tin và quyết định mình phải làm một cái gì đó”.
Ngay lập tức Trang làm poster tiếng Anh cùng các hộp quyên góp rồi chuẩn bị ảnh, video để đi vận động. Cô bắt đầu từ lớp của mình, rồi vào các lớp của bạn bè để vận động, quyên góp. Trang dán poster ở trường, đặt các hộp quyên góp ở vị trí đông sinh viên, cuối ngày cô gái bé nhỏ lại đi mở hộp, khi được 5 USD, khi được 10 USD, tất cả số tiền đó Trang ghi chép cẩn thận và để vào một ngăn tủ.
Trang còn đi một bước xa hơn, khi lên kế hoạch xin nhà trường cho tổ chức buổi văn nghệ kết hợp với bán đồ lưu niệm gây quỹ. Tất cả kế hoạch tổ chức được Trang vạch ra và thực hiện hoàn tất trong vòng chưa đầy 5 ngày. Tổ chức gấp như vậy vì Trang đặt quyết tâm phải quyên thật nhiều tiền và chuyển nhanh về cho các bé ở vùng núi cao. May mắn là cô gái trẻ luôn có được sự hỗ trợ của các bạn mình. Số tiền gây quỹ của buổi văn nghệ được gần 300 USD.
Trang đã mở rộng mạng lưới, mời thêm nhiều tình nguyện viên ở các bang khác, cùng chia sẻ các tài liệu truyền thông, tư vấn, hỗ trợ việc tổ chức sự kiện gây quỹ. Cùng với sự nỗ lực của bản thân và các anh chị trong nhóm Cơm có thịt, từ tháng 11.2012 đến nay đã có hơn 1.300 người tham gia mạng lưới quyên góp ở Mỹ. Số tiền cộng đồng ở Mỹ đã quyên góp được cho chương trình là hơn 21.000 USD (gần 450 triệu đồng).
Có người từng hỏi Trang: “Theo bạn, từ thiện có làm người ta phụ thuộc, ăn bám không?”. Trang chia sẻ: “Mình nghĩ ai yếu thế chẳng phải bám, đủ lông đủ cánh rồi sẽ tự buông, cho người khác bám lại. Mình cho đi một, rồi người được giúp sẽ cho đi hai, cứ thế tăng theo cấp số nhân. Với mình, đấy là đầu tư có lãi”.
Trang ví dụ: “Đợt vừa rồi nhóm Cơm có thịt đã mang áo, giày ấm, ruốc thịt lên cho các em ở Hà Giang. Áo sẽ giữ các em ấm được thêm hai, ba năm nữa. Rồi đứa lớn hơn sẽ đưa áo cho đứa nhỏ, đứa lớn thoát cảnh đói nghèo sẽ lại biết sẻ chia những tấm áo mới cho đàn em nhỏ, cứ tiếp tục, tiếp tục như một dòng chảy”.
Ý KIẾN Truyền cảm hứng tình nguyện “Tôi đặc biệt đánh giá cao Trang ở việc truyền cảm hứng hoạt động tình nguyện trong cộng đồng du học sinh VN. Những gì em làm có ý nghĩa hơn rất nhiều số tiền mà em gửi về. Đó là biểu hiện rõ nét của sự thay đổi nhận thức và dấn thân vì cộng đồng của những người Việt trẻ. Tôi trân trọng điều đó”. Giáo sư Trần Ngọc Anh Cô bạn trẻ nhiệt huyết và năng động “Các thành viên của cộng đồng Cơm có thịt thường biết nhau qua mạng, thư, qua các tin tức, hoạt động nhưng không vì thế mà không có cảm nhận rõ về nhau. Trang là cái tên quen thuộc với mọi người làm chương trình Cơm có thịt ở Hà Nội. Đọc những gì bạn ấy viết, có thể hình dung Trang là một bạn trẻ nhiệt huyết, năng động, sôi nổi và luôn vui vẻ. Đó cũng là không khí chung của Cơm có thịt”. Nhà báo Trần Đăng Tuấn |
Káp Thành Long
>> Thiện nguyện
>> Rạng danh đất Việt: Linh 'chiến lược
>> Rạng danh đất Việt: Được lưu tên trên bức tường Viện Ung thư Anderson
>> Rạng danh đất Việt: Chiếc nhẫn bảo mật
Bình luận (0)