Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung được cử tri đề cập, đó là hiện nay quy định về chế tài, xử lý đối với các trường hợp tham ô, tham nhũng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
"Một số trường hợp vi phạm gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng nhưng chỉ bị xử phạt vài năm tù", cử tri lấy ví dụ, và đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội có quy định pháp luật chế tài, răn đe theo hướng tăng nặng hơn.
Chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng
Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai với quyết tâm mạnh mẽ, "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế chặt chẽ để "không thể tham nhũng". Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp; công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định.
Thời gian tới, để phát huy kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế tồn tại, Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Trong đó, các cơ quan sẽ hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường, tập trung thanh tra vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín; các vụ việc có dấu hiệu "rửa tiền", vận chuyển trái phép tiền tệ, kim khí quý, đá quý qua biên giới...
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham những, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quy định hiện hành đã "rất nghiêm khắc"
Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, hiện nay, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng, tùy từng mức độ mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Trong đó, điều 92 luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Hay như người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Riêng với hành vi tham nhũng, bộ luật Hình sự cũng có quy định về các tội phạm tham nhũng (từ điều 353 đến điều 359). Thanh tra Chính phủ đánh giá việc xử lý đối với các hành vi này là rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người có hành vi vi phạm. Một số hành vi vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.
Bình luận (0)