Sau đợt tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7.10, quân đội Israel đã tuyên bố sẽ xóa sổ Hamas và đang chuẩn bị cho một cuộc đổ quân sang Dải Gaza.
Tuy nhiên, mạng lưới đường hầm phức tạp của Hamas bên dưới Dải Gaza được cho sẽ là thách thức lớn cho Israel.
Theo tờ Daily Mail, mạng lưới đường hầm của các lực lượng vũ trang Palestine được xây dựng vào khoảng năm 2002. Năm 2004, một tuyến đường hầm đã được sử dụng để đánh bom một tiền đồn của Israel tại Dải Gaza. Tháng 12 cùng năm, một cuộc tấn công tương tự khiến 5 binh sĩ Israel thiệt mạng.
Năm 2006, cuộc đột kích xuyên biên giới đầu tiên của Hamas diễn ra, trong đó một quân nhân Israel bị bắt giam hơn 5 năm.
Theo Daily Mail, Hamas bắt đầu xây dựng đường hầm đầu tiên của lực lượng này vào năm 2007 được cho là với sự hỗ trợ của Iran, sau khi Israel rút khỏi Dải Gaza và Hamas kiểm soát vùng đất này.
Các đường hầm chằng chịt này được ví như hệ thống metro của Gaza. Các đường hầm không chỉ giới hạn trong Dải Gaza mà còn vươn ra lãnh thổ Israel và là đường để Hamas thực hiện nhiều cuộc tấn công.
Đường hầm được xây dựng kiên cố bằng bê tông để đủ sức chống chịu trước các cuộc không kích và ngăn cản việc bị đào xuyên qua. Mạng lưới này được cho là tiêu tốn khoảng 30-90 triệu USD để xây dựng. Một vài trong số khoảng 30 đường hầm được xây dựng từ sau xung đột năm 2014 được ước tính có chi phí xây dựng 3 triệu USD.
Lực lượng Hamas của người Palestine là ai?
Tiến sĩ Daphne Richemond-Barak, chuyên gia tác chiến ngầm giảng dạy tại Đại học Reichman (Israel) nói với BBC rằng Hamas sử dụng đường hầm để làm nơi trú ẩn cho giới chỉ huy, làm trung tâm chỉ huy và kiểm soát, làm đường vận chuyển và liên lạc. Bên trong đường hầm có điện và cả đường sắt.
Các đường hầm có độ sâu đến 30 m và có nhiều lối ra ở các tòa nhà, nhà thờ, trường học và các tòa nhà công cộng khác.
Các đường hầm là công cụ hữu hiệu của Hamas trong cuộc chiến với Israel vào năm 2014. Khi đó, các tay súng Hamas sử dụng đường hầm để vận chuyển vũ khí, xâm nhập Israel, phục kích các binh sĩ Israel và sau đó quay lại Dải Gaza. Các đường hầm còn được sử dụng để cất giữ vũ khí, làm chỗ trú ẩn cho các tay súng, vận chuyển hàng hóa, né tránh sự phong tỏa của Israel.
Ukraine-Nga tranh cãi quanh vũ khí phương Tây trong tay Hamas
Không chỉ riêng Hamas, các đường hầm còn được các lực lượng vũ trang khác như Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) sử dụng. Hamas được cho là đã mở rộng đáng kể mạng lưới nói trên và bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn của Israel - nước có sức mạnh tình báo và quân sự đáng kể, mạng lưới đường hầm vẫn duy trì. Nguyên nhân chính được cho là do các đường hầm này cực kỳ khó bị phát hiện.
Israel tuyên bố đã vô hiệu hóa 32 đường hầm tại Dải Gaza trong cuộc xung đột năm 2014, trong đó có 14 đường hầm đi vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, nhiều tuyến được cho là đã được Hamas xây dựng lại sau đó.
Sau cuộc xung đột năm 2021, Israel tuyên bố đã phá hủy hơn 100 km đường hầm sau các cuộc không kích nhưng Hamas nói chỉ 5% bị ảnh hưởng và mạng lưới đường hầm dưới Dải Gaza còn dài hơn cả mạng lưới tàu điện ngầm London (dài khoảng 400 km).
Bình luận (0)