Israel và lực lượng Hamas đồng ý ngưng nổ súng trên bộ và ngừng không kích từ 7 giờ sáng 24.11 (12 giờ trưa 24.11 theo giờ VN). Theo thỏa thuận, Hamas trả tự do cho ít nhất 50 con tin để đổi lấy 150 tù nhân Palestine trong vòng 4 ngày ngừng bắn. Và Israel cho phép các chuyến xe viện trợ đi vào Dải Gaza.
Cơ hội để "hít thở"
Sau 48 ngày xung đột khiến hàng ngàn người thiệt mạng, theo ước tính của LHQ, 1,7 triệu trong số 2,4 triệu người ở Gaza đã phải rời nhà trong thời gian giao tranh diễn ra. Giờ đây, hàng ngàn người đang tìm cách quay về nhà. "Tôi muốn về nhà", Hãng tin AFP dẫn lời một thanh thiếu niên 16 tuổi tên Omar Jibrin trong lúc rời khỏi một bệnh viện ở phía nam Dải Gaza.
Điểm xung đột: Gaza hoang tàn tạm ngưng tiếng súng; Tổng thống Ukraine cảnh báo Tổng tư lệnh?
Ở TP.Khan Yunis (miền nam Gaza), tiếng còi ô tô và tiếng xe cứu thương đã thay thế âm thanh của bom đạn. Đối với dân thường, lệnh ngừng bắn là "cơ hội để hít thở" sau gần 7 tuần xung đột. Trong thời gian này, Israel ghi nhận khoảng 1.200 thiệt mạng và cáo buộc Hamas bắt giữ khoảng 240 người Israel lẫn người nước ngoài. Còn chính quyền Hamas ở Gaza ghi nhận khoảng 15.000 người thiệt mạng trong các đợt tấn công trả đũa phối hợp không quân, bộ binh và hải quân do Israel triển khai.
Chia sẻ với AFP, ông Khaled al-Halabi bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực xuyên suốt Dải Gaza để ông có thể từ TP.Rafah quay về nhà, hay nói chính xác là phần còn lại của ngôi nhà cũ sau khi bị trúng pháo kích ở miền bắc Gaza. Với hơn phân nửa số nhà cửa bị tổn hại và san bằng theo thống kê của LHQ, người dân Gaza không rõ khi quay về họ vẫn còn mái nhà để nương náu hay không.
Gaza đón hàng cứu trợ
Trong lúc nhiều người ở miền nam Gaza tìm cách quay về nhà cũ, các chiến đấu cơ Israel rải tờ rơi ở khu vực với nội dung cảnh báo mọi người không nên quay về miền bắc. "Cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc", tờ rơi viết và cảnh báo thêm rằng "người dân bị cấm quay về miền bắc và đây là hành vi vô cùng nguy hiểm!".
Gaza tổ chức chôn cất tập thể cho người chết không rõ danh tính
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, những người dân như ông Halabi chật vật sống sót trong cảnh thiếu hụt thực phẩm, nước và nhiên liệu. Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, đoàn xe tải gồm ít nhất 90 chiếc, trong đó 50 chiếc chở theo thực phẩm, cùng với 3 xe tải nhiên liệu và 4 xe tải chở ga, bắt đầu di chuyển vào Gaza qua ngõ Rafah với Ai Cập, theo Reuters.
Theo một phần thỏa thuận ngừng bắn, lực lượng Hamas đã trả tự do cho 13 phụ nữ và trẻ em vào khoảng 22 giờ tối qua. Kế đến, chính quyền Tel Aviv tuân thủ việc phóng thích một số tù nhân Palestine, gồm 24 phụ nữ và 15 thanh thiếu niên, bị giam giữ trong 3 nhà tù của Israel và ở Bờ Tây.
Trong khi đó, ông Raed Saqer, người đang tạm trú ở TP.Rafah, hy vọng các bên sẽ tuân thủ lời hứa cho phép hàng viện trợ tiếp tục chảy vào Gaza. Ông Saqer cho rằng ai nấy đều cần thỏa thuận ngừng bắn để chữa trị những người bị thương, cho phép mọi người có khoảng lặng để nhìn lại những gì đã trải qua. Hơn hết, "chúng tôi hy vọng đây là bước đầu tiên tiến tới thỏa thuận chấm dứt xung đột", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, giới chức Israel khẳng định những gì diễn ra chỉ là tạm thời. "Đây sẽ là khoảng ngừng ngắn hạn và đến khi kết thúc, giao tranh sẽ được tiếp tục với ý chí mạnh mẽ", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Lực lượng Hamas cũng lên tiếng tương tự.
Trẻ sơ sinh Gaza tìm hy vọng sống ở Ai Cập, bệnh viện lại bị Israel nã đạn
Nguy cơ cao xảy ra tấn công Hồi giáo cực đoan ở châu Âu
Hôm qua, Reuters dẫn lời giới chức an ninh châu Âu cảnh báo nguy cơ tấn công Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ở châu Âu theo sau cuộc xung đột Hamas-Israel ở Gaza. Mối đe dọa lớn nhất được cho đến từ các phần tử hành động đơn độc và rất khó bị phát hiện. Hơn 10 quan chức tình báo và cảnh sát thuộc 5 quốc gia châu Âu, bao gồm Anh, Đức, Pháp, xác nhận đang gia tăng nỗ lực giám sát các tay súng Hồi giáo. Ông Mark Rowley, người đứng đầu lực lượng cảnh sát London (Anh), nhận định Anh đang đối mặt mối đe dọa hội tụ thách thức mà ông từng chứng kiến. Reuters dẫn nguồn thạo tin cảnh báo cuộc xung đột ở Gaza nhiều khả năng đang hình thành đợt "tuyển mộ" các tay súng Hồi giáo cực đoan lớn nhất kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003. Một nguồn tin Đức tiết lộ giới tình báo nước này phát hiện dân thường đang đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây của Đức.
Bình luận (0)