Bộ Tài chính công bố GDP theo giá hiện hành năm 2015 ước hơn 4,484 triệu tỉ đồng, trong khi Tổng cục Thống kê lại đưa ra con số gần 4,193 triệu tỉ đồng. Sai lệch trên kéo theo nhiều chỉ tiêu khác bị sai lệch.
Số liệu GDP của Tổng cục thống kê (ảnh trên) và số liệu GDP của Bộ Tài chính |
Vênh nhau tới gần 300.000 tỉ đồng
Đó là con số chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đưa ra tại buổi tọa đàm “Vai trò của chính sách tiền tệ trong việc nâng cao khả năng hấp thụ với cú sốc từ bên ngoài tới nền kinh tế” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 7.1.
Dẫn con số của Tổng cục Thống kê (TCTK), ông Ánh cho biết, số liệu công bố ngày 18.12 ước GDP (tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành) thực hiện gần 4,193 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, website của Bộ Tài chính (mof.gov.vn) lại công bố năm 2015 GDP ước đạt 4,484 triệu tỉ đồng. Hai con số này vênh nhau tới gần 300.000 tỉ đồng đã làm xáo trộn toàn bộ các số liệu hiện đã được công bố trong năm 2015.
Ông Ánh dẫn chứng bằng con số chính thống mà Bộ Tài chính công bố, bội chi ngân sách ước năm 2015 là 226.000 tỉ đồng. Nếu GDP thực hiện 4,484 triệu tỉ đồng, bội chi ngân sách khoảng 5% GDP. Tuy nhiên, nếu GDP chỉ đạt 4,193 triệu tỉ đồng như TCTK đưa ra, bội chi lên tới gần 5,4% GDP, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
“Kinh nghiệm thực tế năm 2013 khi quyết toán lúc đầu thâm hụt 4,8%, Chính phủ xin lên 5,3% đến khi quyết toán 2013 là 6,6% GDP. Tình trạng đó có thể lặp lại cho cả năm 2014, 2015”, ông Ánh khẳng định.
TS Ánh đưa thêm dẫn chứng khác, vẫn theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến 18.12.2015, ước tổng thu NSNN năm 2015 đạt 927.000 tỉ đồng, vượt dự toán được giao (dự toán năm 2015 là 911.000 tỉ đồng). Nếu GDP theo Bộ Tài chính công bố 4,484 triệu tỉ đồng, tổng thu ngân sách chiếm 20% GDP, nhưng nếu chia theo con số TCTK là 4,193 triệu tỉ đồng, tổng thu chiếm 22% GDP. Tổng thu ngân sách vênh nhau 2% GDP, đối với nền kinh tế như VN theo ông Ánh thật khó để xác định thu - chi ngân sách hiện nay đang tăng hay giảm.
Như vậy theo chuyên gia này, hai con số GDP sai lệch gần 300.000 tỉ đồng khiến tổng thu ngân sách vênh 2% GDP, bội chi ngân sách vênh 0,4% GDP… “Tôi thực sự nhức đầu bởi không hiểu tại sao hai cơ quan cùng thuộc Chính phủ lại công bố khác nhau. Tôi tính toán và không hiểu họ làm thế nào để ra được các con số đó”, ông Ánh cho hay.
Cũng tại buổi tọa đàm, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Thị Thanh Hương bày tỏ quan ngại về thu - chi ngân sách trong năm 2015. Theo bà Hương, tốc độ tăng thu không bằng tăng chi đang khiến cân đối ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Bà Hương cũng băn khoăn về con số bội chi thực của NSNN (công bố là 5% GDP).
Ngân sách tăng thu nhờ bán tài sản nhà nước
Mổ xẻ thêm về số liệu thu ngân sách, TS Vũ Đình Ánh cho biết, ông thấy khá giật mình khi chỉ trong vòng mấy ngày tốc độ tăng thu vượt dự toán bất ngờ. Cụ thể, ngày 18.12, Bộ Tài chính công bố số thu ngân sách vượt dự toán 1,8% được giao, đến 30.12 tại hội nghị tổng kết ngành tỷ lệ vượt được công bố đã lên tới hơn 5%. Xét về nghiệp vụ thu ngân sách cũng không có gì đáng bàn, nhưng nếu nhìn vào tốc độ tăng thu và kết cấu thu, chuyên gia này cho rằng rất đáng phải suy ngẫm.
Qua theo dõi bảng số liệu, ngân sách năm nay vượt dự toán chủ yếu nhờ bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể, năm 2015 tiền thu được từ bán nhà ở, sử dụng đất lên tới hơn 57.000 tỉ đồng, trong khi con số dự toán chỉ là 39.000 tỉ đồng. Như vậy ngân sách đã dôi dư được 18.000 tỉ đồng. Đặc biệt, thu ngân sách năm nay theo ông Ánh, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều không vượt dự toán, phần tăng thu dồn sang khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các khoản thuế và lệ phí đối với hộ cá thể, người dân... khoảng 300.000 tỉ đồng.
Trao đổi thêm với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng trước nay dư luận đặt nhiều nghi vấn về số liệu thống kê được công bố, đặc biệt cách tính GDP. Mỗi số liệu khác nhau sẽ dẫn tới chính sách bị đảo lộn; số liệu thống kê sai không chỉ làm mất lòng tin trong dân, cơ quan điều hành không đưa được giải pháp đúng đắn. “Nên đặt ra vấn đề vì cách tính khác nhau hay sự không trung thực, bệnh thành tích và mục đích đằng sau đã dẫn tới số liệu sai lệch, mất lòng tin của người dân và quốc tế”, ông Long nói.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng vấn đề đáng ngại ở chỗ cùng hai cơ quan công bố số liệu đều thuộc Chính phủ thì cần phải xem xét lại để thống nhất. Bên cạnh đó, trước nay việc công bố số liệu của Bộ Tài chính quá sớm, theo TS Doanh, là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, không sát với thực tiễn và làm chính sách bị rối loạn. “Cần phải công khai, minh bạch và thống nhất số liệu, không nên để tình trạng mỗi nơi một kiểu”, TS Doanh đề nghị.
WB dự báo tăng trưởng VN ở mức 6,6% năm 2016
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua 7.1 công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2016, trong đó cho biết tăng trưởng GDP của VN năm 2016 dự báo ở mức 6,6%, giảm xuống còn 6,3% năm 2017 và còn 6% vào 2018.
Với mức tăng trưởng này, VN cao hơn Thái Lan (2%), Philippines (6,4%), Indonesia (5,3%)... nhưng thấp hơn Myanmar (7,8% năm 2016, 8,5% năm 2017 và 2018); Lào (tương ứng tăng 7%, 6,9%); Campuchia (6,9% và 6,8%). Báo cáo cũng dự báo luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN vẫn được duy trì ở mức cao, do nhà đầu tư chủ yếu nhắm vào nguồn lao động.
Tính chung, tăng trưởng trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,3% trong năm 2016 từ mức 6,4% trong năm 2015. Trung Quốc tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 6,7% trong năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Rủi ro trong khu vực bao gồm suy giảm mạnh hơn dự kiến tại Trung Quốc, khả năng biến động thị trường tài chính có thể quay trở lại, và điều kiện tài chính bất ngờ bị thắt chặt.
N.Trần Tâm
|
Bình luận (0)