Theo tờ WSJ ngày 11.4, Gen Z (sinh năm 1997- 2012) bị quy chụp vào khuôn mẫu khi gia nhập lực lượng lao động. Trong đó, gen Z bị gắn mác lười biếng.
Tuy nhiên, Charu Thomas (25 tuổi), người thuộc thế hệ Z, là người từng lấy bằng kỹ sư trong 3,5 năm sau khi tốt nghiệp trung học, cũng như đã thành lập công ty phần mềm chuỗi cung ứng ở tuổi 18, huy động được vài triệu USD tài trợ và lọt vào danh sách 30 Under 30 năm 2020 của Forbes... đã có suy nghĩ khác.
Theo Thomas, gen Z năng động và đầy tham vọng, gen Z nhạy bén và không lười biếng. "Gen Z luôn nỗ lực để có những nấc thang mới trong sự nghiệp", Thomas nêu ý kiến nhằm phá bỏ định kiến về thế hệ của mình.
Một người trẻ khác cũng chứng minh gen Z không lười biếng. Đó là Brianna Chang (22 tuổi), ở Mỹ. Cô gái này đã chọn làm việc 60 giờ/tuần với tư cách là nhà hoạch định chuỗi cung ứng tại tập đoàn Microsoft.
Chang được rèn giũa từ khi phục vụ bàn trong nhà hàng Trung Quốc của cha mẹ ở thành phố Bellingham, bang Washington từ lúc còn là thiếu niên. Chang bị thúc đẩy một phần bởi mục tiêu kiếm tiền để hỗ trợ người thân và cảm thấy chán nản khi thấy đồng nghiệp than thở trên mạng xã hội rằng gen Z không làm việc chăm chỉ.
Hay như Jorge Tapia, kỹ sư phần mềm 26 tuổi ở thành phố Indianapolis (Mỹ) cũng thức dậy lúc 6 giờ sáng để đi làm. Anh chăm chỉ nỗ lực trau dồi bản thân để thăng tiến trong công việc. Tapia cũng cho rằng bản thân anh nói riêng và những người cùng thế hệ mình không lười biếng.
Ngoài ra, còn rất nhiều minh chứng khác cho thấy, gen Z không lười biếng như những định kiến của xã hội. Ngược lại, gen Z đã và đang khẳng định được tài năng, trí tuệ trong thị trường lao động hiện nay.
Bình luận (0)