Những tác phẩm tiêu bản của các gen Z này được làm từ những con vật đã chết trước đó, hoặc đi tìm, mua lại xác động vật...
Xương rắn “hóa” vòng, nhẫn
Hơn 2 năm trước, gen Z Trịnh Quang Nhã (22 tuổi), quê ở Cà Mau, biết đến nghệ thuật làm tiêu bản xương trên mạng xã hội và thích thú nên bắt đầu tìm hiểu từ đó. Tuy nhiên, thời gian đầu, do không có kiến thức, phần lớn mẫu vật của Nhã đều hư hoặc bị lắp ráp sai. Sau đó, chàng trai 22 tuổi dần rút kinh nghiệm, các sản phẩm cũng ngày càng hoàn thiện và đẹp hơn.
Để có được một bộ tiêu bản xương hoàn chỉnh, Nhã bắt đầu với công đoạn mổ, lọc thịt, nội tạng ở xác rắn. Sau đó, Nhã tẩy xương bằng oxy già rồi ráp lại thành bộ. Song song với đó, Nhã còn tập trung làm trang sức từ xương rắn kết hợp với nhựa resin để kinh doanh, kiếm thu nhập.
“Việc dùng nhựa resin để đúc nhẫn xương rắn không chỉ giữ các đốt xương trong tình trạng nguyên gốc, tránh gãy vỡ mà còn giúp người đeo thoải mái, không bị đau”, Nhã nói thêm.
Theo đó, sau khi tạo hình bằng khuôn, Nhã phải mài giũa nhẫn, vòng để đem lại độ mượt mà, vừa vặn cho khách hàng. “Công đoạn đổ nhựa resin vào khuôn dễ tạo ra bọt khí, gây mất thẩm mỹ. Mình thường phải kiên nhẫn ngồi phá từng bọt khí nhỏ, nếu chiếc nào không kịp phá hết, đọng lại quá nhiều sẽ đành đem bỏ”, chàng trai 22 tuổi nói.
Trung bình thời gian Nhã làm ra một sản phẩm từ 1 đến 2 ngày, có lúc mất đến 7 ngày. Những vòng tay từ đốt xương sẽ nhanh hơn, khoảng 30 phút/vòng.
“Mỗi tháng mình có khoảng vài chục đơn hàng, đạt doanh thu dao động từ 30 đến 100 triệu đồng. Mình nghĩ sản phẩm của mình thu hút khách là nhờ vào sự độc đáo, sáng tạo. Song, để đạt nguồn thu cao, mình phải đầu tư chỉnh chu từ khâu giới thiệu sản phẩm. Đôi khi mình bỏ ra cả tuần để quay phim, chụp ảnh chuẩn bị cho một bài viết quảng cáo, hơn hết là để cho khách hàng hiểu các sản phẩm này không vi phạm vấn đề đạo đức hay tâm linh để họ có thể yên tâm mua và sử dụng”, Nhã chia sẻ và cho biết thu nhập mỗi tháng từ công việc làm tiêu bản này là từ 20-50 triệu đồng.
Mình tạo dáng cho tiêu bản sao cho chúng tự nhiên và chân thực, sống động nhất
Trần Kim Hoàng Anh (23 tuổi), quê ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cũng đam mê với tiêu bản khoảng 7 năm về trước khi Hoàng Anh vô tình thấy một cửa hàng bán những sản phẩm tiêu bản trông rất bắt mắt.
“Mình có hỏi họ cách làm tiêu bản như thế nào nhưng họ không nói. Sau đó, mình lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật làm tiêu bản rồi mua xác chim bị chết tại các tiệm kinh doanh chim cảnh, chim phóng sinh, khu bảo tồn… trên địa bàn về thực hành. Sau thời gian tự mày mò, mình nắm bắt những kỹ thuật cơ bản trong nghệ thuật làm tiêu bản động vật”, Hoàng Anh kể lại.
Để nâng cao kiến thức, Hoàng Anh lên các hội nhóm, trang web nước ngoài tìm hiểu. Sau ít năm tự nghiên cứu, Hoàng Anh đã có thể "biến" xác những chú chim nhỏ thành các tiêu bản chim sống động, chân thực không khác gì lúc con vật còn sống.
Hiện nay, Hoàng Anh sở hữu tiêu bản các loài chim quý. Ngoài ra, chàng trai 23 tuổi còn sở hữu bộ sưu tập tiêu bản các loài chim có kích thước nhỏ vô cùng độc đáo, như: chim hút mật, chim vành khuyên, chim sâu…
Nhờ khả năng làm tiêu bản đỉnh cao của mình, một số khách hàng đã tìm đến Hoàng Anh để nhờ làm. “Đa số con vật của khách không may bị chết nhưng họ muốn lưu giữ lại kỷ niệm với thú cưng. Hay có những người cũng muốn sở hữu một tiêu bản động vật trưng bày trong nhà thì tìm đến mình”, Hoàng Anh chia sẻ.
Suốt thời gian chế tác tiêu bản động vật, Hoàng Anh chỉ nhận làm mẫu vật chính quy, thú cưng không nằm trong danh mục cấm hoặc có giấy tờ đầy đủ. “Mỗi con sẽ có cấu trúc cơ thể khác nhau và tùy vào độ khó của mỗi con và sự yêu cầu tỉ mỉ từ khách, nên giá từ 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng.Trung bình mỗi tháng mình làm khoảng vài chục con”, Hoàng Anh cho hay.
Chia sẻ về cách làm tiêu bản động vật của mình, Hoàng Anh cho hay mình sẽ tách, loại bỏ phần thịt chỉ giữ lại da của cái xác. “Phần da sẽ được ngâm vào loại hóa chất đặc biệt để không bị phân hủy, tránh côn trùng. Trong lúc tách da, người thực hiện phải đong đếm kỹ lưỡng số thịt bị loại bỏ để sau đó nhồi một lượng bông gòn tương ứng vào bên trong tiêu bản”, Hoàng Anh thông tin.
Theo chàng trai 23 tuổi, nếu có sai sót, tiêu bản sẽ có kích thước sai với thực tế của mẫu vật nên sẽ không đảm bảo tính chân thực. Sau khi da khô, Hoàng Anh sẽ tiến hành vẽ, tô màu lại những vùng da bị ố, nhạt màu như mắt, mũi, mỏ, chân…
“Nếu đôi mắt con vật không đạt chuẩn, tiêu bản sẽ thất bại vì không có hồn. Mình phải đo đạc thật chính xác con mắt của mẫu vật rồi làm lại mắt giả có kích thước tương đương. Sau cùng, mình tạo dáng tiêu bản sao cho chúng tự nhiên và chân thực, sống động nhất. Với mình, một tiêu bản động vật được xem là đẹp chỉ khi nó mang lại cho người xem cảm giác con vật vẫn như đang sống, vận động trong không gian nó được trưng bày”, Hoàng Anh chia sẻ.
Bình luận (0)