BÁN HÀNG TRỰC TUYẾN LẤY VỐN MỞ CỬA TIỆM
Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2019 với công việc bán các vật dụng trang trí chủ yếu qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đầu năm 2020, khi nhận thấy lượng khách hàng ngày càng đông nên Trâm và Lộc đã cùng nhau thành lập cửa tiệm mang tên "Tiệm lưu giữ ký ức" tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Trâm cho biết ban đầu sản phẩm chủ yếu của tiệm là ốp lưng, khung ảnh theo yêu cầu. Nhưng hiện tại các sản phẩm đa dạng hơn, ngoài khung ảnh, ốp lưng thì còn có các sản phẩm từ nhựa resin như lót ly, khay đựng trang sức… Đồng thời còn có các dịch vụ tổ chức những buổi workshop về các đề tài nghệ thuật, trang trí sự kiện.
"Sau 3 tháng thành lập cửa hàng thì chúng mình phát triển thêm sản phẩm suncatcher (dạng chuông gió dùng để bắt ánh sáng) và làm thêm tiêu bản côn trùng. Trong đó, sản phẩm bán chạy nhất của tiệm là những khung tranh lưu giữ khoảnh khắc. Tụi mình sẽ vẽ lại những bức ảnh của khách, sau đó kết hợp với hoa lá để tạo ra những chiếc khung tranh xinh xắn. Khi nhìn vào những bức ảnh, bức tranh, người được tặng quà sẽ cảm thấy được truyền thêm năng lượng và khoảnh khắc đáng nhớ ấy sẽ luôn bên cạnh họ", Lộc chia sẻ.
Khi chuyển từ hình thức bán hàng trực tuyến sang trực tiếp, Trâm và Lộc gặp một số khó khăn về kinh tế vì chi phí cần bỏ ra mỗi tháng tăng lên rất nhiều, như tiền mặt bằng, nhân sự… Do chưa có điều kiện thuê quá nhiều nhân sự nên hai cô gái này đã lựa chọn chung cư để làm cửa hàng vì an ninh và đỡ được khoản thuê người trông xe.
Để có được một số vốn lớn mở cửa hàng, Lộc và Trâm đã đi làm thêm, bán hàng trực tuyến trong nhiều năm, chứ không nhận sự giúp đỡ từ gia đình. Số vốn đầu tư ban đầu cho "Tiệm lưu giữ ký ức" là khoảng 400 triệu đồng, trong đó 75 triệu đồng tiền đặt cọc mặt bằng, chi phí sửa chữa cải tạo cửa hàng mất khoảng 150 triệu đồng và phần còn lại dùng để nhập nguyên liệu, thuê nhân viên. Lộc cho biết thông thường khi kinh doanh những tháng đầu sẽ gặp khó khăn, lỗ vốn nhưng may mắn cửa hàng hòa vốn trong 3 tháng đầu vì vẫn duy trì việc kinh doanh trực tuyến.
Hiện tại, cửa hàng của Trâm và Lộc có khoảng 15 nhân viên là sinh viên thay ca làm việc. Trâm cho biết doanh thu của tiệm vào những tháng ngày lễ, tổ chức sự kiện cho các doanh nghiệp… sẽ dao động từ 200 - 300 triệu đồng, còn những tháng không có sự kiện thì trên dưới 100 triệu đồng.
TẬN DỤNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ QUẢNG BÁ SẢN PHẨM
Từng là sinh viên ngành thiết kế nội thất nên cả Lộc và Trâm đều có kiến thức về mỹ thuật và gu thẩm mỹ, đây cũng chính là lợi thế trong việc sáng tạo ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật.
Sau gần 2 năm kinh doanh, Trâm và Lộc đã chuẩn bị có cửa hàng mới tại đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Cửa hàng mới có diện tích lớn hơn và được 2 cô chủ gen Z đẩy mạnh thêm dịch vụ bán cà phê.
"Thay vì đến nơi chỉ để mua sản phẩm, thì việc có thêm không gian quán cà phê, khách hàng sẽ ngồi lại để tự tay hoàn thiện các vật trang trí. Ngoài các sản phẩm của cửa hàng thì tụi mình dự tính sẽ hỗ trợ các bạn trẻ có niềm đam mê với những sản phẩm thủ công để họ có nơi ký gửi sản phẩm. Không gian lớn hơn sẽ thuận tiện cho việc hợp tác với các đơn vị khác để mở thêm các buổi workshop", Lộc chia sẻ.
Sự thành công của "Tiệm lưu giữ ký ức" phần lớn là do hai cô chủ gen Z biết tận dụng các nền tảng như: TikTok, Instagram để quảng bá sản phẩm của mình. Trâm cho biết thời gian đầu gặp khó khăn vì không biết được thị hiếu người xem, chưa có cách truyền tải phù hợp và thiếu kinh nghiệm trong việc quay, dựng video. Sau nhiều tháng thử nghiệm với những video làm sản phẩm trang trí thì Trâm nhận thấy việc chia sẻ cách làm tiêu bản nhận được nhiều sự chú ý trên nền tảng TikTok hơn và từ đó phát triển mạnh mẽ những nội dung tương tự. Đến hiện tại, kênh TikTok của cửa hàng của Trâm và Lộc đã có hơn 63.000 lượt theo dõi và gần 40.000 lượt theo dõi trên Instagram.
Lộc cho biết những tiêu bản côn trùng được sưu tầm từ các nhà sưu tập trong nước, các trang trại nuôi bướm, hoặc nhập từ nước ngoài về. Theo Lộc, các sản phẩm được làm ra từ tiêu bản côn trùng có thể tặng vào bất kỳ dịp nào, đây là một món quà mang tính thẩm mỹ cao, có thể ứng dụng để trang trí, nghiên cứu, hoặc để làm tư liệu trong các ngành thiết kế. Giá của sản phẩm này dao động từ 100.000 đồng đến trên 1 triệu đồng tùy theo loại côn trùng và thành phẩm.
Phạm Thu Ngân (25 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM, biết đến Trâm và Lộc trong một lần tham gia workshop tại tiệm, sau đó trở thành đối tác trong công việc. Ngân nhận xét: "Tuy hình thức kinh doanh của tiệm còn đang rất mới ở nước ta nhưng lại phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của các bạn trẻ hiện nay. Không dừng lại ở một vài sản phẩm, tiệm luôn tìm tòi để đa dạng các sản phẩm thủ công mới. Với sự độc lạ này, hình thức kinh doanh của tiệm sẽ còn phát triển hơn trong tương lai vì luôn có sản phẩm mới bắt kịp xu hướng của người trẻ".
Bình luận (0)