Ghé Chợ Lớn, khám phá 5 hội quán có từ trăm năm nay

Phạm Hữu
Phạm Hữu
24/03/2019 13:31 GMT+7

Hầu như các Hội quán của người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM) đã tồn tại hàng trăm năm với lối kiến trúc, văn hoá độc đáo thu hút nhiều khách du lịch.

Quận 5 mang bề dày lịch sử văn hoá hơn 300 năm hình thành và phát triển ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Nơi tập trung đa phần những người Việt gốc Hoa sinh sống từ lâu đời, bởi thế những Hội quán được xây dựng và tồn tại song song nhau. Có 5 trong số 10 Hội quán nổi bật tồn tại rất lâu đời của người Hoa tại quận 5.

Hội quán Tuệ Thành

Hội quán Tuệ Thành là di tích cấp Quốc gia (1993) ở số 710 Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM.
Hội quán Tuệ Thành hay còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu, chùa Bà Chợ Lớn là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở TP.HCM của người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông. Chùa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Hoa trong quá trình định cư tại đây.
Hội quán Tuệ Thành hay còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời PHẠM HỮU
Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII bởi một nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu) di dân sang Việt Nam, Hội quán được dùng làm nơi hội họp, quản lý di dân, giúp đỡ đồng hương, đồng thời cũng là nơi thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu để tỏ lòng biết ơn.
Theo truyền thuyết, bà Thiên Hậu đặc biệt thấy trước tương lai, cứu những người đi biển. Cho nên trên chuyến hải hành đến Việt Nam, nhóm người Hoa đã mang theo bài vị của bà để cầu xin phù hộ.
Trải qua hơn hai thế kỷ, hội quán vẫn gìn giữ được nét đẹp của một công trình kiến trúc cổ. Từ sự tinh tế, sắc sảo của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các phù điêu hương án, các bao lam, khám thờ, liễn đối; cho đến nghệ thuật hội hoạ và thư pháp trên các tranh tường. Đặc biệt nhất là nghệ thuật – kỹ thuật chế tác các phù điêu gốm dù trăm năm mưa nắng vẫn giữ được nguyên vẹn đường nét và màu sắc.
Hàng năm, vào ngày 23.3 âm lịch, hội quán tổ chức long trọng lễ dâng hương Vía Bà, với các nghi thức truyền thống và các hoạt động văn hoá thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.

Hội quán Nhị Phủ

Hội quán Nhị Phủ - Miếu Nhị Phủ hay chùa Ông Bổn là một trong những ngôi miếu cổ xưa do nhóm người Hoa ở hai phủ Tuyền Châu và Dương Châu (tỉnh Phúc Kiến) xây dựng.
Miếu được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII để thờ cúng và làm nơi gặp gỡ giao lưu giữa những người đồng hương. Vị thần thờ chính là Ông Bổn tức Phúc Đức Chính Thần – vị thần bảo hộ đất đai và con người theo tín ngưỡng của người Hoa.
Hội quán Nhị Phủ hay còn gọi là Miếu Nhị Phủ hay chùa Ông Bổn  PHẠM HỮU
Nét nổi bật trong kiến trúc của hội quán là mái nhà cong hình thuyền rồng, có trang trí phù điêu rồng, cá chép được ghép lại bằng những mảnh sứ rất công phu. Là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo, hội quán không chỉ thể hiện sự giao lưu văn hoá Hoa – Việt mà còn đánh dấu quá trình định cư và hội nhập của nhóm người Hoa Phúc Kiến.
Hội quán Nhị Phủ được công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1998 PHẠM HỮU
Hàng năm, theo lịch âm, Hội quán Nhị Phủ tổ chức nhiều ngày cúng tế thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái. Hai ngày lễ tế chính là ngày sinh và ngày mất của Ông Bổn và Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám. Hội quán Nhị Phủ được công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1998.

Hội quán Phước An

Hội quán Phước An do những người Hoa Minh Hương có nguyên quán ở bảy phủ thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang đến sinh sống ở vùng Chợ Lớn xây dựng.
Hội quán Phước An nằm ở đường Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM PHẠM HỮU
Hội quán được xây dựng trên nền tảng ngôi miếu cổ An Hoà từ năm 1865 và được trùng tu vào năm 1902. Tuy đã trải qua khoảng thời gian dài, nhưng hội quán vẫn giữ được diện mạo kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cũng như các cổ vật được bảo tồn nguyên vẹn.
Hội quán nổi tiếng về giá trị kiến trúc, nghệ thuật trang trí, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên 24 bức hoành phi, 4 tấm biển gỗ lớn và 8 cặp liễn đối. Các nghệ nhân thời xưa đã dùng kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi để tạo ra các dây hoa, rồng, phụng xen kẽ với các nét chữ mạnh mẽ và uyển chuyển nhằm chuyển tải tấm lòng tôn kính đối với chí khí và sự nghiệp của các vị thánh, thần được tôn thờ tại đây.
Hội quán Phước An được xây dựng trên nền tảng ngôi miếu cổ An Hoà từ năm 1865 và được trùng tu vào năm 1902 PHẠM HỮU
Hội quán thờ phụng nhiều nhân vật lịch sử và tín ngưỡng như: Quan Thánh Đế Quân, Quan Âm Bồ Tát, Phật Di Lặc, Ngũ Hành Nương Nương…
Hàng năm, ngày vía Quan Thánh Đế Quân (13 tháng Giêng âm lịch) được tổ chức rất trọng thể và thu hút đông đảo du khách đến dâng hương. Hội quán nằm ở số 184 đường Hồng Bàng, P.12, Q.5, TP.HCM.

Hội quán Ôn Lăng

Hội quán Ôn Lăng còn được gọi là chùa Quan Âm, chùa thu hút rất nhiều thiện nam tín nữ đến cúng bái. Hội quán được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVIII, vừa là trụ sở của người Hoa quê ở phủ Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) vừa là nơi thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu – vị nữ thần thường cứ giúp người đi biển.
Hội quán Ôn Lăng còn được gọi là chùa Quan Âm PHẠM HỮU
Hội quán là một di tích bao hàm nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hoá, nổi bật nhất là giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Kiến trúc ảnh hưởng theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa, đặc biệt là các tạo hình và trang trí mái ngói lợp ống mang đậm phong cách của người Phúc Kiến.  
Theo phong thuỷ, phía trước di tích phải có một hồ, ao để trấn mạch, tụ khí cho miếu thờ được linh thiên. Vì vậy, năm 1908, Ban quản trị Hội quán đã xây dựng một hồ cá phóng sinh ở phía đối diện của Hội quán.
Hội quán Ôn Lăng là nơi thờ tự Quan Thế Âm Bồ Tát PHẠM HỮU
Ngày nay không chỉ riêng người Phúc Kiến mà đông đảo người Hoa, Việt, du khách nước ngoài đến Hội quán để bày tỏ lòng thành với các vị thần, đồng thời chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật ghi dấu lịch sử vân hoá của Sài Gòn xưa. Hội quán Ôn Lăng nằm tại số 12 đường Lão Tử, P.11, Q.5, TP.HCM.

Hội quán Nghĩa An

Hội quán Nghĩa An - chùa Ông hay miếu Quan Đế, nơi thờ Quan Thánh Đế Quân do cộng đồng người Hoa Triều Châu di dân sang Việt Nam thành lập.
Hội quán Nghĩa An - chùa Ông hay Miếu Quan Đế, nơi thờ Quan Thánh Đế Quân PHẠM HỮU
Hội quán mang nhiều giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm đá và chạm gỗ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hội quán có những bao lam cửa chạm hai mặt, bao lam khám thờ… được chạm trổ tinh tế từ những điển tích cổ xưa đến những hoạt động sinh hoạt đời thường... 
Qua hai thế kỷ tồn tại, hội quán là nơi bảo tồn những truyền thống văn hoá, tín ngưỡng và cả những hiện vật quý giá của cộng đồng người Triều Châu tại TP.HCM.
Hằng năm, theo lịch âm, Hội quán có hai lễ lớn và quan trọng nhất là Lễ Nguyên Tiêu và ngày Vía Ông vào 24.6. Hội quán nằm ở số 678 đường Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.