Ghế Chủ tịch VFF không phải là nơi tăng thu nhập

18/05/2013 04:00 GMT+7

Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa 4 Mai Liêm Trực đã dành cho Báo Thanh Niên cuộc phỏng vấn vào hôm qua.

Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa 4 Mai Liêm Trực đã dành cho Báo Thanh Niên cuộc phỏng vấn vào hôm qua.

Thưa ông, trong bối cảnh nền bóng đá VN chưa thực sự mạnh như hiện nay, VFF cần một vị chủ tịch hội tụ những phẩm chất nào?

VFF đã trải qua 7 đời chủ tịch mà cả 7 đời đều là các quan chức trong bộ máy nhà nước với đại đa số là các nhà quản lý về thể thao. Không có vị chủ tịch nào, trong đó có cả tôi, đáp ứng được nhu cầu cao của xã hội là tạo dựng được một nền bóng đá thực sự thành công. Cứ mỗi lần đại hội là lại khổ sở, loay hoay để tìm chủ tịch. Tiêu chí thì ai cũng biết rồi, nhưng người nào ngồi vào đó cũng thấy đầy rủi ro cho chính bản thân mình, còn xã hội thì không thật yên tâm.

Tôi còn nhớ ở nhiệm kỳ 4 khi anh Hồ Đức Việt thôi không làm chủ tịch, tôi đã được đề nghị cầm cương bóng đá VN mà chính tôi khi ấy cũng chưa hình dung hết mọi góc cạnh cũng như sự phức tạp của bóng đá VN. Nhiều người nói tôi nhảy vào lửa và đúng là “lửa” thật! Với kinh nghiệm của một người làm công tác quản lý lâu năm ở ngành bưu chính viễn thông, tôi nhanh chóng nhận ra sự thiếu chuyên nghiệp của cơ cấu tổ chức VFF dễ dẫn đến trục trặc, sai sót. Có những phát biểu của tôi khi đó khiến thường trực VFF bị sốc, nhưng tôi muốn tạo áp lực để có được sự cải tổ mạnh mẽ. Tuy chỉ gắn bó với VFF 2 năm nhưng tôi cảm nhận sâu sắc khát vọng lớn lao của người VN với từng bước đường phát triển của bóng đá VN.

 
Ông Mai Liêm Trực - Ảnh: Ngô Nguyễn

Nói lại những điều này, tôi càng muốn khẳng định, Chủ tịch VFF phải là người xứng đáng với những khát vọng lớn lao đó. Chủ tịch phải có tầm vóc được xã hội thừa nhận, có uy tín, năng lực và được toàn xã hội tin cậy một cách thực sự. Nhưng có lẽ trước hết phải là sự dấn thân và đã từng được rèn luyện thử thách ở vị trí đứng mũi chịu sào. Nếu chủ tịch chỉ làm vì, làm trịnh trọng viên và coi chiếc ghế này để tăng thu nhập thì không thể đưa bóng đá VN đi lên được.

Thưa ông, với vị trí “quan sát viên”, ông thấy VFF của hai khóa qua còn điểm yếu nào?

Bóng đá trẻ còn rất mờ nhạt. Vừa rồi, tôi nghe tiêu chí chủ tịch khóa tới phải biết “xin” tiền giỏi mà buồn quá. Đừng nghĩ tài chính là xin tài trợ mà VFF phải tự đứng được trên đôi chân của mình, sản phẩm của mình. Xổ số bóng đá bàn mãi mà đáng lẽ chủ tịch hay phó chủ tịch phải làm việc với Bộ Tài chính. Chủ tịch không phải người đi lo sự vụ, can thiệp vào cấp điều hành mà phải là người vạch chiến lược. Có nhiều điều nhức nhối mà đến cuối mùa giải mới “bục” ra. Khóa tới, từ chủ tịch đến mỗi thành viên VFF không chỉ chăm chăm lo quyền lợi cho VFF hay cho CLB của mình mà phải cho cả cộng đồng bóng đá nữa.

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá VN có sự tranh cử thực sự giữa một doanh nhân là ông Lê Hùng Dũng và một quan chức thuộc bộ máy nhà nước là Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải? Nếu được bỏ phiếu chọn chủ tịch, ông sẽ bầu cho ai?

Việc quyết định ra tranh cử của anh Lê Khánh Hải có thể nói là một quyết định rất khó khăn với cá nhân anh Hải vì các quan chức rất ngại “va chạm” vào bóng đá. Tôi rất hiểu điều này vì trước đại hội khóa 5 tôi cũng từng khổ sở đi tìm người thay mình. Dĩ nhiên, anh Hải có trúng hay không còn do đại hội bầu nữa. Nhưng theo tôi, người đứng đầu VFF không nên là quan chức nhà nước. Giai đoạn đầu khi bóng đá VN chưa phát triển thì có lẽ cần nhưng về lâu dài, nếu đặt một quan chức nhà nước vào vị trí này sẽ rất bất lợi, gây khó cho chính quan chức đó cũng như cho cơ quan chủ quản của vị này, mà ở đây là Bộ VH-TT-DL.

Chưa bao giờ, khi bóng đá VN xảy ra sự cố hay yếu kém, một vị quan chức nhà nước lại phải chịu trách nhiệm mà chỉ đưa ra các yêu cầu kiểm điểm người này, đề nghị người kia từ chức. VFF là tổ chức xã hội độc lập, có tác động rất mạnh mẽ lên nhiều mặt của đời sống, có mối quan hệ sâu rộng và nhạy cảm ở trong nước cũng như quốc tế. Nếu thứ trưởng dám dấn thân, có bản lĩnh thì đáng khuyến khích. Song còn đảm đương chức vụ ở bộ thì quả thật là sẽ rất khó khăn. Trước đây, tôi từng có suy nghĩ và đề đạt anh Đoàn Nguyên Đức hay anh Võ Quốc Thắng làm Chủ tịch VFF với điều kiện không làm chủ tịch các CLB. Hiện tại, anh Lê Hùng Dũng không bị vướng mắc vào mối quan hệ của cơ quan quản lý nhà nước, cũng không nắm bất kỳ CLB nào và lại là một doanh nhân rất thành đạt, gắn bó với bóng đá VN lâu năm.

Lan Phương
(thực hiện)

>> Bóng đá VN “máu” AFC Cup
>> Tiềm năng bóng đá VN đủ sức dự VCK World Cup
>> Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Bóng đá VN hiện tại chỉ vì tiền
>> Bóng đá VN còn thiếu gì ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.