TNO

Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa

31/05/2015 16:49 GMT+7

(Tin Nóng) Giáp giới với Tây Tạng, làng Hyomol có rất đông người Tamang, một dân tộc thiểu số tại Nepal, sinh sống. Tamang trong tiếng Tây Tạng nghĩa là những chiến binh cỡi ngựa . Ngôi làng xinh đẹp, hiền hòa với hơn 1.000 nhân khẩu này giờ vắng lặng, đổ nát, tang thương kinh người kể từ sau trận động đất hôm 25.4.

(Tin Nóng) Giáp giới với Tây Tạng, làng Hyomol có rất đông người Tamang, một dân tộc thiểu số tại Nepal, sinh sống. Tamang trong tiếng Tây Tạng nghĩa là những chiến binh cỡi ngựa. Ngôi làng xinh đẹp, hiền hòa với hơn 1.000 nhân khẩu này giờ vắng lặng, đổ nát, tang thương kinh người kể từ sau trận động đất hôm 25.4.

Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 1
Người đàn ông này đang cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong căn nhà mình sau trận động đất, ở làng Hyomol, Nepal, trong dãy Himalaya

Tròn một tháng kể từ sau trận động đất đầu tiên xảy ra tại Nepal hôm 25.4, tôi hẹn với Kamar Tamang (23 tuổi, đang tu học tại một tu viện ở Phaping), người bạn mà tôi mới quen trong Lễ Quán đảnh trước động đất khoảng hai tuần, về thăm làng của anh trước khi rời Nepal.

“Thật không thể tin được! Quá khủng khiếp!”, John Kelly, bác sĩ quốc tịch Canada, người đã đến Nepal một tuần sau trận động đất hôm 25.4, nói. Ba thành viên Quỹ Earthquake Relrief cũng thốt lên tương tự sau khi đặt chân đến làng Hyomol.

Dù đã hai lần thoát chết vì động đất tại Nepal, chứng kiến nhiều cảnh thương tâm, nhưng cảnh tượng đổ nát, hoang tàn diễn ra trên suốt quãng đường từ Boudha về Hyomol, băng qua những làng mạc, thị trấn như Danchi, Melamchi… nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chuyến đi là một trải nghiệm đau thương, buồn bã nhất trong 4 tháng ở Nepal mà tôi nếm trải.

Sau hơn một ngày chuẩn bị thuốc men, lương thực cứu trợ cho làng Hyomol, bác sĩ John Kelly và các thành viên của Quỹ Earthquake Relrief về làng Hyomol trên chiếc xe bán tải hiệu Nissan. Tôi cùng Bisho Tamang, bạn của Kamar, đi trước dẫn đường trên chiếc mô tô của anh.

Làng Hyomol cách thủ đô Kathmandu chỉ 60 km, vậy mà chúng tôi mất đến gần 3 giờ đồng hồ mới đến nơi. Cung đường 60 km đó, ngoài hàng chục “cua tay áo” là đá sỏi gập ghềnh, uốn lượn “sống trâu”, càng lúc càng lên cao, tiến về ngôi làng xa xa trên đỉnh núi thuộc dãy Hymalaya.

Người Tamang nổi tiếng là những hướng dẫn viên cỡi ngựa và đi bộ rất giỏi. Ngôi làng với hơn 1.000 nhân khẩu đó giờ chỉ vỏn vẹn khoảng 40 nóc nhà tôn, vách đất và những căn lều lụp xụp mới dựng lên để che nắng, che mưa. Số người còn trụ lại ở làng chỉ khoảng 300. Đa số những người ở lại là người già, phụ nữ và trẻ em, những người vì động đất mà trở nên côi cút, lẻ loi vì chẳng biết đi đâu hoặc không có khả năng di chuyển đến một nơi khác an toàn hơn.

Ngoài 103 người chết, 150 người bị thương, hàng trăm người đã quyết định bỏ làng về “cắm lều” gần Thủ đô Kathmandu hoặc chạy sang nước láng giềng Ấn Độ lánh nạn. Số ngôi nhà còn nguyên vẹn ở Hyomol chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Đến được làng cũng đã hơn 14 giờ chiều, chúng tôi nhanh chóng bắt tay khám và phát thuốc cho bà con. Bác sĩ Kelly, năm nay 68 tuổi, đưa mắt nhìn gần 100 bệnh nhân đang đứng, ngồi, vây quanh ông với đủ các loại thương tích từ bong gân, gãy tay, sứt đầu, mẻ trán cho đến những người với vết thương ở 2 chân đã bị nhiễm trùng nặng. Ông nói với tôi: “Sức chịu đựng của những con người này thật không thể tin được. Suốt 45 năm gắn bó với nghề, trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào đau xót và kinh khủng như thế!”.

Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 2
Đường vào làng càng lúc càng lên cao...
Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 3
BS John Kelly đang khám bệnh cho 1 bệnh nhân làng Hyomol

Gần 150 người bị thương mà chỉ có 1 bác sĩ nên chúng tôi phải vào vai những y tá nghiệp dư, giúp bác sĩ Kelly chăm sóc bệnh nhân và an ủi họ. Người đàn ông ngoài 50 tuổi với vết thương ở trên mép tai trái bị mưng mủ, cổ áo vẫn còn vương vết máu, ngồi yên cho tôi rửa vết thương, bôi thuốc và băng lại cho ông. Ông nói: “Hai vai tôi đau lắm, có thuốc gì giúp tôi bớt đau không?”. Chúng tôi biếu ông vài vỉ thuốc Paracetamol và đề nghị massage lưng cho ông. Ông đồng ý!

Chị Samomaya Tamang, 29 tuổi, đã mất đi đứa con gái duy nhất 5 tuổi tên là Kanchan Tamang khi ngôi nhà sập ngay trước mắt chị hôm 25.4. Bản thân chị cũng bị vết thương dài trên má trái. Tròn 1 tháng sau động đất, vết thương đã thành sẹo dù vẫn còn sưng nhưng thị lực mắt trái chỉ còn 3/10… Trò chuyện với tôi, những giọt nước mắt nghẹn ngào vẫn không ngừng rơi trên gương mặt sưng húp, đôi mắt trũng sâu khi chị nhắc về đứa con gái bé bỏng Kanchan. “Kanchan của tôi ngoan lắm! Giờ nó đã đi rồi…”.

Rồi chị rời đi. Những bước chân liêu xiêu và bóng chị đổ dài trong nắng chiều vàng vọt khiến chúng tôi chạnh lòng, thầm cầu nguyện cho người mẹ trẻ ấy được bình an, khỏe mạnh, đủ sức vượt qua giông gió cuộc đời

Buổi chiều ở ngôi làng trên núi Hyomol đến rất nhanh. Trời đang nắng đẹp bỗng nhiên nổi gió. Sau khi dặn dò bà con trong làng cách uống thuốc, biếu thuốc hạ sốt, thuốc ho…, chúng tôi kết thúc việc khám bệnh và phát thuốc cho bà con và được Kamar dẫn đi thăm làng.

Trong những căn lều tạm bợ và những ngôi nhà chật chội mới dựng lên nhờ tận dụng những gì còn sót lại sau động đất, cả chục con người và vật nuôi như trâu, bò, dê… chen chúc sống cạnh nhau. Có vài người đàn ông và phụ nữ loanh quanh bên những ngôi nhà sập, cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại từ căn nhà của mình.

"Ngoài gạch vụn, gỗ mục, có gì đâu mà họ nhặt hả Kamar? Có lẽ họ cố nhặt những kỷ niệm về những người mà họ yêu thương còn xót lại trong tổ ấm cũ", tôi hỏi Kamar và tự trả lời mình khi anh dắt chúng tôi đi thăm vài nơi trong làng. Kama chỉ tay về phía tu viện đổ sập phía trước và nói: “Tất cả 16 vị lạt ma của tu viện này đã chết khi đang dùng cơm trưa hôm 25.4”. Rồi Kamar chỉ sang một ngôi nhà đổ nát cạnh đó: “Có 4 người trong một gia đình chết tại đây, trong đó có 1 em bé chỉ mới 2 tháng tuổi…”.

Xung quanh tu viện chưa đến 100 m2 mà đã có đến 34 người (trong đó có 2 em bé chỉ mới 2 tháng tuổi) chết vùi dưới lớp đất đá. Tất cả họ là những người thân trong gia đình của 16 vị lạt ma kia. Trong khuôn viên chết chóc đó, giờ chỉ còn bà Lemana, năm nay đã ngoài 60 tuổi, sống một mình vì con trai bà đi làm xa chưa về thăm bà được. Nhà sập rồi, bà đến trú tạm nhà của một người bà con trong xóm.

Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 4
Em bé may mắn sống sót sau động đất ngủ ngon trên tay bà
Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 5
Em bé đứng trên nền đống đổ nát nơi trước đó 1 tháng là nhà của ông bà em
Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 6
Trong căn nhà nhỏ, mẹ vẫn ngồi chờ...

Hoàng hôn ở Hyomol huy hoàng quá. Ráng chiều đỏ rực trên rặng núi xa xa. Chỉ vài phút mưa nhỏ giọt cũng đủ xuất hiện cầu vồng. Chúng tôi quyết định đưa ông nội của Bisho Tamang về Kathmandu chữa trị. Ông năm nay đã 73 tuổi. Khi động đất xảy ra, ông bị kẹt lại trong nhà. Nhà sập, một phần tường đè lên 2 chân ông. Vết thương bị nhiễm trùng và may mắn không bị gãy nhưng khiến ông chỉ có thể ngồi một chỗ. Mọi di chuyển ông phải nhờ đến người thân.

Đồng hồ chỉ 19 giờ 20 phút tối. Chúng tôi rời làng Hyomol quay trở lại Kathmandu. Vẫn cung đường ngoằn nghèo, gập ghềnh men theo triền núi đó, thi thoảng chúng tôi mới nhìn thấy vài ngôi nhà sáng đèn bên đường. Đèn ô tô và chiếc mô tô chúng tôi đang đi là hai nguồn sáng quét lên cung đường gập ghềnh đá sỏi khi chúng tôi băng qua. Chiếc mô tô làm nhiệm vụ dẫn đường, nên cứ mỗi khúc quanh là chúng tôi dừng lại đợi chiếc ô tô ở phía sau.

Từ ánh sáng của đèn xe mô tô, qua cung đường tối đen, vắng cả tiếng cho sủa, chúng tôi nhìn thấy 2 người đàn ông ngồi lặng lẽ bên nhau, mắt hướng về ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụn trước mắt. Ở một đoạn khác, người đàn ông gầy gò ngồi sưởi ấm bên đống lửa, dõi mắt nhìn theo đốm sáng nhỏ nhoi của những con đom đóm bay qua. Và ở một đoạn khác gần Melamchi, chúng tôi nhìn thấy một người phụ nữ mặt mày lem luốc đi tới đi lui trước căn chòi mới dựng ven đường. Trông họ thật lặng lẽ và cô đơn!

Khuya ở Hyomol, Melamchi rồi Danchi… mịt mù sương và gió lạnh. Chúng tôi băng qua những ngôi làng đổ nát và vắng lặng như thế trong nỗi sợ hãi bâng quơ về câu chuyện nghe được trước lúc rời đi rằng nhiều đêm qua, người làng Hyomol… không thể ngủ yên vì nghe tiếng trẻ con, phụ nữ gào khóc, tiếng các vị lạt ma đọc kinh và hát hò ở tu viện đổ nát đó. Hồn ma của người chết quanh quẩn trong làng, đêm xuống thì khóc than, xin cơm ăn...

Chúng tôi không biết thực hư câu chuyện đó thế nào. Chỉ biết rằng những người đã chết cần được cầu nguyện, an ủi linh hồn; họ cũng như những người đang sống cần có thêm thức ăn, nước uống, thuốc men…, giúp họ sống sót, vượt qua đau thương mất mát này.

Sau khi đưa ông Bishnu vào bệnh viện T.U Teaching ở Kathmandu, chúng tôi chia tay nhau về nhà. Bác sĩ John Kelly nói với tôi trước lúc chia tay, ông sẽ về nước vào cuối tháng, quyết định nghỉ hưu và trở lại giúp dân làng Hyomol, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh…

Tôi về được đến nhà mình thì đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Chồng tôi đón tôi ở đầu ngõ, lo lắng hỏi sao tôi không ở lại làng mà về trong đêm. Tôi bảo rằng, chúng tôi không muốn họ lo thêm chỗ ngủ và có thể, nhóm 6 người chúng tôi dù đạm bạc súp đậu cũng sẽ khiến họ mất lương thực của 1 ngày…

Trong cuộc đời lang thang khắp chốn của tôi, chưa chuyến đi nào mà khi trở về nhà, cả thể xác và tinh thần tôi lại mệt mỏi, rệu rã, buồn thảm đến như thế; nhưng tôi có hy vọng về một Nepal hồi sinh. Nhất là khi bác sĩ John Kelly và những tổ chức, cá nhân từ tâm trên khắp thế giới đang ngày ngày hướng về Nepal và không ngại đến nơi đây, chìa đôi tay giúp sức để Nepal hồi sinh.

Mong rằng sau đau thương mất mát, “cầu vồng” sẽ mang đến những ngày an vui, hạnh phúc cho đất nước Nepal, trong đó có ngôi làng của “Những chiến binh cỡi ngựa” của bạn tôi.

Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 7
Tu viện sập vùi chết 16 vị lạt ma của làng và 2 dân làng trong bữa cơm trưa định mệnh 25.4
Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 8
Bà Lemana đang cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong ngôi nhà sập của mình
Ghi chép từ Nepal: Về làng Những chiến binh cỡi ngựa - ảnh 9
Cậu bé này đứng cạnh bàn học, thứ còn sót lại sau khi trường bị sập. Em chưa biết ngày nào mới có thể quay trở lại trường lớp

Bài, ảnh: Nguyên Thảo

>> Quân đội Mỹ biết động đất ở Nepal từ 8 tháng trước ?
>> Trung Quốc muốn đào đường hầm xuyên núi Everest
>> Những vùng đất kỳ bí nhất thế giới - Kỳ 6: Everest, Thánh mẫu vũ trụ
>> Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác minh thông tin người Việt mất tích ở Nepal
>> Một người Việt thiệt mạng do bão tuyết khi leo núi ở Nepal

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.