Thiếu tá Nguyễn Đình Quân, Phó giám đốc Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP.HCM, cho biết các chiến sĩ khóa CS27 mới nhập ngũ sẽ bắt đầu hành trình mới tại nơi đây.
HỒI HỘP, LẠ LẪM, BỠ NGỠ
Bày tỏ với Thanh Niên, tân binh Trần Gia Huy (27 tuổi), ngụ ở Q.11, cho biết vì mới ngày đầu nhập ngũ nên mọi thứ còn lạ lẫm. Từ khi đặt chân đến trung tâm, Huy luôn chú tâm lắng nghe hướng dẫn, chỉ bảo của cán bộ. "Có một chút hồi hộp. Nhưng mình tin sẽ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống tại đây. Mình háo hức đón chờ những giờ huấn luyện, học tập", Huy nói.
Ở một phòng khác, tân binh Hồ Nhất Thống (23 tuổi), ngụ Q.11, đang tập cách sắp xếp mền, mùng. Thống chia sẻ niềm vui khi ước muốn được mặc sắc xanh của lực lượng công an nhân dân trở thành sự thật. Thống tin tưởng trong 3 tháng tân binh sẽ giúp bản thân có cơ hội rèn luyện và phát triển.
Trong khi đó, nhiều tân binh khác bắt chuyện, hỏi thăm, làm quen để chào những người bạn mới. Họ sẽ là đồng đội trong chuỗi ngày sắp tới. Dù mỗi người đến từ những nơi khác nhau, nhưng tất cả đều chung niềm mong muốn là những tháng ngày ở đây sẽ giúp họ được giáo dục kỷ luật, kỷ cương, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ công tác, chiến đấu…
Tâm sự thanh niên TP.HCM viết đơn xin nhập ngũ: 'Bởi yêu màu xanh áo lính'
Thiếu úy Nguyễn Quốc Duy, Bí thư Đoàn thanh niên Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP.HCM, cho biết vì thời gian đầu nhập ngũ nên phần lớn các chiến sĩ như là những "tấm chiếu mới", cuộc sống tại trung tâm là "hoàn toàn mới 100%". Chắc chắn rằng họ sẽ cảm thấy lạ lẫm với cách sinh hoạt, học tập, huấn luyện, thời gian thực hiện các chế độ trong ngày hay lề lối tác phong, xưng hô chào hỏi... Và khi phải sống kỷ luật, theo nề nếp, chứ không theo kiểu "sao cũng được" như ở nhà, nên trong những ngày đầu tiên, các tân binh có thể sẽ có cảm giác cuộc sống của chiến sĩ quá đỗi khó khăn, vất vả.
Tuy nhiên với kinh nghiệm từng trực tiếp huấn luyện, quản lý các chiến sĩ nghĩa vụ công an trong nhiều năm, anh Duy cho rằng: "Không lâu nữa, những tân binh sẽ quen dần và tự nhận ra bản thân trưởng thành hơn sau từng ngày".
Theo thiếu úy Nguyễn Quốc Duy, trước khi vào trung tâm, có người còn chẳng biết gấp mền, mùng ngăn nắp sau khi thức dậy. Nhưng chỉ vài ngày sau, họ đã biết cách gấp vuông vắn, đẹp mắt, trật tự theo đúng quy định. Lại có trường hợp chưa từng một lần quét nhà, quét sân, chẳng thể phân biệt các loại chổi, nhưng chẳng mấy chốc đã thành thạo, thuần thục những công việc vệ sinh phòng ở, doanh trại một cách gọn gàng, ngăn nắp, tỉ mỉ.
Theo hạ sĩ Nguyễn Huỳnh Anh Phát (24 tuổi), tham gia nghĩa vụ công an tại Công an TP.Thủ Đức, hầu như tân binh nào cũng vậy. Khi đi lính sẽ gặp phải những bỡ ngỡ ban đầu nhưng qua từng ngày, tâm lý lo lắng không còn nữa.
Phát kể trước khi nhập ngũ có hai nỗi sợ. Một là vì quen ngủ một mình ở phòng riêng, nên lo đi lính "sẽ phải sống chung đông đúc rất bất tiện". Hai là… sợ nước nên chẳng biết bơi. "Nhưng nhờ vào sự quan tâm, động viên, dạy dỗ của các thầy cô tại trung tâm khi học tập, rèn luyện mỗi ngày nên nỗi lo ấy đã không còn. Tại đây, các chiến sĩ luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, yêu thương san sẻ, giúp đỡ nhau. Sau 3 tháng tân binh, từ một người có nỗi sợ khi xuống nước, tôi đã biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Nhờ đi lính mà tôi thay đổi nhận thức, trưởng thành hơn", Phát chia sẻ.
Hạ sĩ Nguyễn Minh Tuấn (26 tuổi), tham gia nghĩa vụ công an tại Công an Q.Bình Tân, cho biết từng trải qua tình cảnh "mệt bở hơi tai" trong thời gian đầu. Tuấn kể báo thức buổi sáng reo lên vào 5 giờ 15. Tập thể dục buổi sáng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh doanh trại đến 6 giờ. Ăn sáng trong khung thời gian được quy định sẵn là 6 - 6 giờ 30. Từ 6 giờ 30 - 7 giờ phải nhanh chóng sắp xếp trật tự nội vụ. Từ 7 - 11 giờ là thời gian để học tập, huấn luyện. Ăn trưa từ 11 - 11 giờ 30. Hết hoạt động này là hoạt động khác tiếp diễn vào buổi chiều…
"Mọi thứ đều có giờ giấc quy định rõ ràng, cụ thể. Nên tôi nói riêng và đa phần tân binh nói chung đều cảm thấy bí bách, ngột ngạt. Nhưng trải qua được vài ngày sẽ dần quen và cảm thấy thích. Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được thực hiện nghĩa vụ công an. Đó là kỷ niệm đáng nhớ của thời thanh xuân", Tuấn chia sẻ.
HÌNH THÀNH PHẨM CHẤT NGƯỜI CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN
Đại diện Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP.HCM cho biết khi hoàn thành quá trình huấn luyện 3 tháng, các tân binh sẽ hình thành phẩm chất người chiến sĩ công an nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức cơ bản về pháp luật, nghiệp vụ, quân sự, võ thuật. Có ý thức tổ chức, kỷ luật chặt chẽ. Biết duy trì nề nếp sinh hoạt, học tập, lễ tiết tác phong chính quy theo điều lệnh công an nhân dân.
Bởi lẽ, như chia sẻ của thiếu úy Nguyễn Quốc Duy, trong quá trình học tập, huấn luyện của các chiến sĩ sẽ trải qua 6 môn bắt buộc gồm: chính trị, pháp luật, điều lệnh đội ngũ, võ thuật, bơi lội, bắn súng. Không những vậy, các tân binh còn được học về 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân, 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật của công an nhân dân, được hướng dẫn về các nghi lễ trong công an nhân dân. Ngoài ra còn được học hiến pháp, các luật tố tụng hình sự, tiếp thu kiến thức cơ bản về hiện trường, các phương pháp báo cáo vụ việc ban đầu, chế độ bảo quản vũ khí, khí tài quân trang, được thực hành sử dụng công cụ hỗ trợ và phương tiện nghiệp vụ...
Song song đó, còn được học thêm nhiều kiến thức các chuyên ngành về cảnh sát cơ động, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cảnh sát bảo vệ, những kỹ thuật thao trường, sơ cấp cứu người bị nạn… để sau 3 tháng tân binh, khi được phân công về các đơn vị như cảnh sát cơ động; cảnh sát bảo vệ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; trại tạm giam; công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức… sẽ dễ dàng thích ứng, thực hiện các nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định.
Bình luận (0)