Ghiền lấy ráy tai, bác sĩ chỉ cách phân biệt ráy tai bình thường và bệnh lý

Đình Tuyển
Đình Tuyển
17/10/2022 14:03 GMT+7

Nhiều người thích, thậm chí 'ghiền' lấy ráy tai thường xuyên mà không biết ráy tai cũng có những công dụng quan trọng và không phải lúc nào cũng nên làm sạch.

Đây là chia sẻ của BS.CK2 Phạm Ngọc Minh, Phó trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, sau khi điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng do lấy ráy tai thiếu an toàn.

Ráy tai có từ đâu và có vai trò gì?

Ráy tai (cerumen) chính là một sản phẩm của hệ bài tiết, là chất sáp, giúp bảo vệ da ống tai ngoài, hỗ trợ làm sạch, bôi trơn và chống lại vi trùng, vi nấm, nước vào trong tai. Thành phần chính của ráy tai là chất béo (axit béo chuỗi dài bão hòa và không bão hòa), cholesterol vì thế ráy tai thường có màu vàng và hơi dính. Ráy tai được tiết ra rồi đọng lại ở ống tai còn gồm cả bụi bẩn, các tế bào chết và chất nhờn lẫn mồ hôi tiết từ da ống tai.

Nhiều người "ghiền" được lấy ráy tai và lấy thường xuyên

N.M

Thông thường, hỗn hợp ráy tai sẽ tự khô rồi bong tróc và được đẩy ra ngoài một cách tự nhiên. Lớp ráy tai này được đẩy ra sẽ lại có một lớp ráy tai khác thay thế.

Ráy tai có những công dụng bất ngờ (đặc biệt là ở trẻ nhỏ) giống như lá chắn ở cửa ống tai, ngăn không cho vi trùng, vi nấm, siêu vi, bụi bẩn, nước… xâm nhập vào trong tai. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy ráy tai còn có tính chống lại một số chủng vi khuẩn, đặc biệt là một số loại nấm thường gây bệnh viêm tai.

Những công dụng bất ngờ này có được là nhờ trong thành phần ráy tai có các axit béo, độ axit nhẹ, đặc biệt là các men lysozyme… Các thành phần trên như thành trì từ phía ngoài giúp bảo vệ được tai giữa, hòm nhĩ ở phía trong, giống như miễn dịch tự nhiên. Ngoài ra, vai trò của ráy tai còn giúp dẫn truyền sóng âm, nghe dẫn truyền đường khí dễ dàng hơn.

Ráy tai bình thường và ráy bệnh lý

Dù ráy tai có công dụng tốt, nhưng trong trường hợp tai mất khả năng tự làm sạch, ráy tai nhiều bất thường dẫn tới nút ráy tai bịt kín ống tai có thể gây cản trở thính lực nhẹ, gây đau tai hoặc có thể gây chóng mặt.

Ráy tai bình thường sẽ hơi dính, như sáp, màu vàng. Còn ráy tai bất thường có thể thay đổi về màu, mùi hay cấu trúc. Đặc biệt, ráy tai bệnh lý sẽ có những biểu hiện như: tai chảy nước ướt, có màu xanh, mủ hôi; nhiều trường hợp tai ướt hơn bình thường, có mùi hôi khẳm (thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi đó trẻ hay dụi tai, khóc thét). Một biểu hiện khác là dịch tai lẫn máu hồng kèm đau nhức đầu, tai, tai có mùi hôi. Trường hợp tai lẫn dịch mủ trắng, đục, óng ánh như xà cừ, hôi mùi khó chịu cần cẩn thận, chú ý biến chứng não - thần kinh.

Lấy ráy tai thế nào cho đúng?

Nhiều người có thói quen tự lấy ráy tai bằng những dụng cụ như que tăm bông, que nhọn, chân nhang, thậm chí cây kim loại, vật cứng có sẵn... Việc này chứa nhiều rủi ro, có thể dẫn đến các tình huống như kẹt đầu bông trong, chấn thương tai. Đặc biệt khi đang ngoáy tai vô tình có sự va chạm từ bên ngoài có thể dẫn đến tai nạn gây rách màng nhĩ, tổn thương ống tai, tệ hơn nữa có thể gây điếc.

Hiện nay cũng có rất nhiều người thường đến các cơ sở massage, cắt tóc, gội đầu… để lấy ráy tai thường xuyên, việc này cần hết sức thận trọng bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhân viên tại tiệm không có chuyên môn, không được đào tạo kỹ thuật thực hiện. Chưa kể các dụng cụ sẽ không đảm bảo sạch khuẩn (chưa nói đến chuyện vô trùng). Nếu dùng chung dụng cụ sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh về da như nấm… Đặc biệt lấy ráy tai thiếu an toàn cũng có thể dẫn tới hậu quả vi trùng thâm nhập vào tai giữa, tai trong, nặng nề hơn có thể gây biến chứng viêm não - màng não…

BS.CK2 Phạm Ngọc Minh khám cho bệnh nhân bị nút ráy tai

Đình tuyển

Do vậy không nên chủ quan lấy ráy tai như một thói quen thường xuyên. Khi bị nút ráy tai ảnh hưởng đến thính lực hay các bệnh về tai, cần phải đến các cơ sở y tế hay gặp bác sĩ chuyên khoa để được can thiệp lấy ráy tai đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.