Giã biệt Phan Vũ, gã đầu trần thơ thẩn đường mưa

Nguyên Vân
Nguyên Vân
18/07/2019 00:00 GMT+7

Nhạc sĩ Phú Quang, người đã viết ca khúc Em ơi! Hà Nội phố từ ý thơ trong trường ca cùng tên của nhà thơ Phan Vũ , đã không kiềm được xúc động khi chia sẻ qua điện thoại: 'Tôi buồn và có cả ân hận, khi nghe tin anh Phan Vũ mất sáng nay (17.7)...'.

Nhạc sĩ Phú Quang nhiều lần nghẹn giọng, dừng cuộc trò chuyện với người viết qua điện thoại khi nhắc về mối thâm tình cùng nhà thơ Phan Vũ từ cuộc hạnh ngộ với Em ơi! Hà Nội phố. Ông nhớ lại lần đầu tiên đọc trường ca Em ơi! Hà Nội phố, khi gặp nhà thơ Phan Vũ tại TP.HCM năm 1985, cũng là lúc ông “đang rất nhớ Hà Nội, nên đọc xong, tôi thật sự xúc động. Bài thơ được anh ấy viết khi B-52 đánh xuống Hà Nội vào mùa đông năm 1972, trận bom đã chôn vùi người bạn thân nhất của tôi và tàn phá Hà Nội… Tôi nói với anh Phan Vũ, tôi sẽ có bài hát hay từ ý thơ này. Ngay hôm sau, tôi mời anh đến nhà. Nghe tôi đàn piano hát xong bản nhạc vừa mới phổ, anh Vũ lặng im, rồi nói: bài thơ anh hơn 300 câu, Quang rút lại còn vài câu mà vẫn rất mang tinh thần Phan Vũ. Rồi anh Phan Vũ khóc, bảo rằng anh xúc động lắm. Sau đó trong đêm nhạc của tôi, anh cảm ơn tôi...”.
Phú Quang bảo rằng: “Tôi ân hận lắm, khi muốn mua bức tranh của anh Phan Vũ mà chưa có dịp… Tôi sẽ làm điều này khi vào viếng anh. Chỉ buồn là tôi không có cơ hội nhận tranh từ tay anh...”.
Nhà thơ Phan Vũ cho biết, đối với ông Em ơi! Hà Nội phố như bùa hộ mệnh, vì “tôi tồn tại là do bài thơ ấy”. Và trong bài thơ ấy, hình ảnh “gã đầu trần thơ thẩn đường mưa” có phải chính là Phan Vũ lãng tử, kiêu bạc đi giữa cuộc đời?
Ca khúc Em ơi! Hà Nội phố do Phú Quang phổ nhạc từ thơ Phan Vũ được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện: NSND Lê Dung, Tuấn Ngọc, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Cẩm Vân, Bằng Kiều và gần đây là Đức Tuấn. Nhưng theo Phú Quang, người hát đúng chất nhất (mà nhà thơ Phan Vũ cũng đồng tình), là ca sĩ Lệ Thu (hiện sống tại Pháp).

Đa tài, tự do, đầy sức sống

Giã biệt Phan Vũ, gã đầu trần thơ thẩn đường mưa
Ngoài 90 tuổi, nhà thơ Phan Vũ bảo ông có nhiều việc để làm lắm. Trong dịp phỏng vấn ông gần đây, ông cho biết: “Tôi thường dậy từ 3, 4 giờ sáng. Có khi không làm việc ngay nhưng dậy để suy nghĩ, về bài thơ hay bức tranh nào đó. Đến 6, 7 giờ tôi đi chơi, uống cà phê. Tôi hay đến quán cà phê gần nhà (tại Thủ Đức, TP.HCM), chủ quán vì mê thơ tôi và mê tôi nói chuyện nên dành cho tôi cái phòng riêng để tôi gặp bạn bè ở đó. Cà phê tán gẫu xong, thường là bạn bè tuổi hai mấy, ba mấy, những người ngưỡng mộ thơ tôi rồi kết bạn qua Facebook, thì chủ quán đưa tôi về nhà, tiếp tục làm việc, cả ngày làm không hết việc đấy (cười)”.
Sự “trẻ trung” của nhà thơ Phan Vũ cũng được đạo diễn Lê Cung Bắc rất nể phục, bởi hiếm có nghệ sĩ nào ở tuổi gần 90 như ông vẫn chạy xe máy gặp gỡ bạn bè (mấy năm trước khi ông còn khỏe), vẫn sáng tác hăng say, triển lãm tranh cũng khá đều đặn. “Làm việc và làm bạn với anh, càng ngày tôi nhận ra mình càng quý anh nhiều hơn, bởi sự đa tài của một lãng tử trí thức”, Lê Cung Bắc nhìn nhận.
Còn nhớ trong buổi giao lưu ra mắt tập thơ Ta còn em, nhạc sĩ Dương Thụ bảo đó là lần đầu tiên Cà phê thứ 7 quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như thế, mà chỉ có Phan Vũ mới có thể làm được điều đấy. Theo Dương Thụ, Phan Vũ là người rất tự do. “Tự do không phải để làm gì mà chính là tự do được làm chính mình. Anh ấy may mắn đến cuối đời không còn đặt ra câu hỏi: tôi là ai?”, Dương Thụ nói.
Có lần trò chuyện với nhà thơ Phan Vũ, ông hài hước bảo: “Chỉ từ vài năm nay tôi mới không còn đánh nhau với ai nữa, chứ từ lúc 20 tuổi là đã đi đánh Mỹ, đánh Pháp, đấu tranh với cả các sếp (cười). Thơ tôi có giai đoạn không được phổ biến nên có nhiều dị bản, và cũng có nhạc sĩ phổ thơ mà... quên ghi tên tôi”.
Phan Vũ tên là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng, là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh và họa sĩ. 20 tuổi ông đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và Tây Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện VN tại Hà Nội và làm báo. Năm 1972, ông viết trường ca Em ơi! Hà Nội phố. Khi đất nước thống nhất, Phan Vũ làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM.
Phan Vũ có 2 người con với người vợ đầu - diễn viên Phi Nga (nổi tiếng với nhân vật Hoài - phim Chung một dòng sông), là nhà báo Việt Nga và đạo diễn Phan Điền. Sau khi Phi Nga mất, ông tái hôn với nhà báo Diễm Chi.
Lễ tang của nhà thơ Phan Vũ được tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ viếng diễn ra từ 19 giờ ngày 17.7, lễ động quan lúc 7 giờ ngày 19.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.