'Phan Vũ ơi… mãi còn lại mảnh trăng mồ côi'

17/07/2019 12:30 GMT+7

Tin nhà thơ Phan Vũ, tác giả trường ca Em ơi! Hà Nội phố ra đi ở tuổi 93 sáng nay nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội từ những người bạn văn chương, hội họa của ông, với nhiều tiếc thương, bùi ngùi…

Họa sĩ-nhà báo Đỗ Hương xúc động viết những dòng tiễn biệt Phan Vũ trên trang cá nhân của mình:
“Phan Vũ ơi,
Tiễn Anh
Người đàn ông luôn cho không cần nhận.
Sống mạnh mẽ
Như đá
Như đồng
Như suối
Như sông
Như gió ngàn và mái nhà phố cổ
Tạm biệt anh
Người đàn ông luôn cho không cần nhận
Hà Nội phố vắng anh
Hà Nội phố còn mãi
Chia tay trần gian ngày rằm...
Anh đi...
Mãi còn lại mảnh trăng tròn mồ côi".
Đỗ Hương là một trong những người phụ nữ xuất hiện trong tranh vẽ của Phan Vũ.  Người viết từng đến phòng tranh riêng của ông tại ngôi nhà ở Thủ Đức và được ông giới thiệu nhiều chân dung trong tác phẩm của ông. Nhiều bức tranh vẽ họa sĩ Đỗ Hương cũng từng được trưng bày tại triển lãm của ông.

Tranh Phan Vũ

ẢNH: ĐỘC LẬP

Còn nhớ trong buổi ra mắt tập thơ Ta còn em hồi tháng 6.2018 (do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành), nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó gíám đốc Sở VH-TT TP.HCM chia sẻ, rằng "trong thơ Phan Vũ có rất nhiều Hà Nội, chắc chắn những người đến với buổi ra mắt tập thơ, những người yêu mến thơ Phan Vũ cũng là những người có ký ức, hoài niệm về Hà Nội rất nhiều. Nên, chúng ta yêu quý Phan Vũ vì ông như đã nói hộ chúng ta những tâm tình về Hà Nội…”.
Bà Thế Thanh cũng cho biết thêm, tập thơ đầu tiên của Phan Vũ được xuất bản năm 2008 mang tên Thơ Phan Vũ, và “khi phát hành, vì còn thiếu một nửa chi phí để in ấn, nên Quỹ Hỗ trợ Văn hóa của TP.HCM đã “gánh” một nửa”.
Trong tập thơ phát hành năm 2018 - Ta còn em, lần đầu tiên thơ của Phan Vũ được thực hiện công phu cả về nội dung và hình thức. Ở đó, Phan Vũ không chỉ có Em ơi! Hà Nội phố, mà tập thơ này sẽ cho thấy một Phan Vũ phong phú hơn, màu sắc hơn như chính những bức vẽ của ông.

Nhà thơ Phan Vũ ký tặng độc giả trong buổi ra mắt tập thơ Ta còn em

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trong tập thơ này, nhà thơ Dương Tường viết: “Nghệ thuật của Phan Vũ để lại trong lòng công chúng một ấn tượng động mà át âm (dominante) là một vị ngọt ngào thơ man mác tình”. Theo Dương Tường, tình thơ trong Phan Vũ không chỉ là tình yêu nam nữ mà mở rộng biên độ đến mênh mông, cho nên tiếng “em” trong thơ Phan Vũ thật đa nghĩa và đầy cộng âm. “Em” là “ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm”, là “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, là “Hà Nội phố”...

Nhà thơ Phan Vũ và con gái-nhà báo Việt Nga

ẢNH: ĐỘC LẬP

Với nhà thơ Du Tử Lê, ông quan niệm "tác giả Hà Nội phố, theo tôi, là một trong những tác giả hiện thân của nhân cách thi sĩ”. Còn nhà thơ Phạm Xuân Nguyên chia sẻ, qua phần Đôi lời từ bè bạn của tập thơ, rằng: “Lần nào đọc Em ơi! Hà Nội phố tôi vẫn cứ xúc động và ngạc nhiên. Cảm hứng nào đã đến với Phan Vũ bốn mươi năm trước để ông có thể cất lên từ Hà Nội một bài thơ đắm say và bi tráng, nồng nàn và ngất ngư như vậy. Đọc thơ hình dung tác giả là một lãng tử, một khách hào hoa si tình, một nghệ sĩ đắm đuối…Bốn mươi lăm năm sau, bây giờ đọc lại Em ơi! Hà Nội phố, người đọc sẽ cảm ơn nhà thơ đã giữ lại một Hà Nội đẹp đẽ và đáng yêu đến thế…”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Phú Quang, người mà theo Phan Vũ, đã có công rất lớn trong việc góp phần phổ biến Em ơi! Hà Nội phố của ông, “dù chỉ là lần đọc đầu tiên nhưng tôi cảm giác như đã đọc bài thơ đó từ rất lâu rồi, bởi vì bài thơ như chính những điều tôi nghĩ đến…Linh cảm mách bảo cho tôi rằng đó sẽ là một bài ca hay mà tôi sẽ viết. Tôi tin vào linh cảm ấy dù bài thơ vài trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu…”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.