Tại khu vực Tây nguyên, vùng chuyên canh cà phê lớn nhất nước, giá cà phê cao nhất cũng chỉ đạt 36.000 đồng/kg. Trong khu vực này, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng phổ biến chỉ còn 35.500 - 35.600 đồng/kg, các địa phương khác giá có thể cao hơn khoảng 200 - 300 đồng/kg. Đây là mức giá “đáy” tính từ cuối năm 2017 tới nay khiến nhiều nông dân lo lắng. Trước đó, ngày 23.3, dù giảm nhẹ nhưng giá cà phê ở Tây nguyên vẫn phổ biến trong khoảng 36.600 - 37.200 đồng/kg. Cụ thể, tại Lâm Đồng giá cà phê phổ biến 36.600 - 36.700 đồng/kg, Gia Lai, Đắk Lắk cao hơn một chút, khoảng 37.000 - 37.200 đồng/kg.
Việc giá cà phê trong nước bất ngờ giảm là vì giá cà phê thế giới đột ngột giảm mạnh do tác động của thị trường tài chính thế giới, khi hàng loạt nước lớn điều chỉnh lãi suất. Một nguyên nhân quan trọng khác là Brazil cũng như Indonesia đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới với một năm trúng mùa. Ngày 23.3, giá cà phê robusta trên sàn London (kỳ hạn giao tháng 5.2018) giảm 2,99%, tương đương
52 USD/tấn, xuống còn mức 1.690 USD/tấn. Đây cũng là mức giá thấp nhất đến thời điểm này năm 2018. Thêm vào đó, giá cà phê arabica trên thị trường New York (kỳ hạn giao tháng 5.2018) cũng giảm 1,5%, từ 121,2 USD/pound xuống còn 119,4 USD/pound. Theo các chuyên gia trong ngành, VN là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới nên việc thị trường thế giới lao dốc đã kéo theo sự rớt giá của cà phê trong nước.
Đáng nói là trước Tết Nguyên đán, giá cà phê ở mức khá cao do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng. Lượng cà phê của niên vụ 2017 - 2018 đã tiêu thụ được hơn 50%, và một số người vẫn chưa vội bán để chờ giá. Chính vì vậy việc giá cà phê đột ngột giảm mạnh khiến nhiều người rất bất ngờ. Giá giảm, giá trị xuất khẩu cà phê cũng giảm theo.
Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến giữa tháng 3.2018, xuất khẩu cà phê đạt 425.000 tấn, trị giá 825 triệu USD, tăng 16,2% về lượng, nhưng giảm 0,4% về trị giá so với cùng kỳ 2017. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.941,6 USD/tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận (0)