Thông tin từ Sở NN-PTNT Trà Vinh ngày 15.2 cho biết, nông dân trong tỉnh đang vào mùa thu hoạch lác, giá bán 10.000 đến hơn 20.000 đồng/kg (tùy loại). Nhờ đó, bà con thu lợi nhuận chục triệu đồng mỗi công, cao hơn khoảng 5 lần so với trồng lúa.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (30 tuổi, ngụ ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, H.Càng Long) đang cùng những người trong gia đình thu hoạch hơn 2 công (2.000 m2) lác của gia đình, cho biết lác đang rất có giá, mặc dù chưa thu hoạch xong nhưng đã bán hết số lác này. Mùa này là mùa thuận nên lác đạt năng suất cao, từ 1,6 - 1,8 tấn/công. Với giá lác loại 1 là 20.500 đồng/kg (dài từ 1,8 m đến dưới 2 m), gia đình thu lợi nhuận được vài chục triệu đồng.
"Gặt xong rồi phân loại. Loại 1 để dệt chiếu lớn, loại nhỏ hơn để se sợi hoặc dệt chiếu loại 2 (loại nhỏ thường được sử dụng trong các bệnh viện). Loại đặc biệt dài hơn 2,1m, có giá rất cao, từ 28.000 - 31.000 đồng/kg nhưng rất hiếm, chỉ một ít ruộng trồng được, ở đây chủ yếu trồng loại 1,8m. Trồng lác lời hơn trồng lúa nên người dân ở đây chuyển sang trồng lác mấy chục năm nay rồi. Giờ đâu ai trồng lúa nữa. Mùa này cũng thu lời khoảng 30 triệu", chị Hằng vui vẻ nói.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Tấn (41 tuổi, ngụ ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, H.Càng Long) đang cùng 2 người trong gia đình thu hoạch hơn 3,5 công lác, cho biết cây lác được trồng ở vùng đất này mấy chục năm rồi; mỗi năm thu hoạch 2 vụ. Trung bình, khoảng 7 - 10 năm mới phải trồng lại hoặc thấy cây suy, không phát triển mới tiến hành cày xới và trồng lại.
"Chi phí trồng mỗi công lác khoảng 5 triệu đồng, phân thuốc, nhân công thu hoạch... khoảng 5 triệu nữa, trung bình mỗi công lời từ 10 - 15 triệu đồng, mỗi năm làm 2 vụ ngon hơn trồng lúa nhiều. Tuy nhiên, trồng lác cực hơn vì toàn phải dùng nhân công chứ không có máy móc như lúa được", anh Tấn nói.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, cho biết toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha trồng cây lác. Trong đó, H.Càng Long có diện tích nhiều nhất với khoảng 2.800 ha, còn lại rải rác ở các huyện Trà Cú, Châu Thành... Cây lác thường dùng để dệt chiếu, se sợi làm đồ thủ công mỹ nghệ... giúp rất nhiều hộ nông dân ở địa phương vương lên khá, giàu.
Bình luận (0)