Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Công ty taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, cho hay doanh nghiệp taxi cũng đang tính toán, cân nhắc liệu có giảm giá hay không. Bởi trong lần giảm giá xăng mới đây, doanh nghiệp taxi này cũng đã giảm với mức 500 - 1.000 đồng/km.
Theo ông Hỷ, giá cước taxi có thể giảm chút đỉnh. Tuy nhiên, mỗi lần tăng hay giảm giá cước, doanh nghiệp taxi phải mất nhiều thời gian và chi phí cho việc kiểm định.
Với chi phí kiểm định 260.000 đồng/chiếc, Vinasun sẽ tốn khoảng 1,1 tỉ đồng để kiểm định lại đồng hồ đo cước của khoảng 4.500 taxi.
“Đó là chưa kể doanh nghiệp còn mất doanh thu và tốn nhân lực để đưa xe tới các trung tâm kiểm định”, ông Hỷ nói.
|
Ông Lương Hoài Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết việc tăng hay giảm giá cước là chuyện của doanh nghiệp chứ hiệp hội không thể can thiệp được.
Tuy nhiên, trong hợp đồng, các doanh nghiệp thường thỏa thuận nếu giá xăng dầu tăng hay giảm 1.000 đồng/lít hoặc biên độ tăng hay giảm 5% thì giá cước sẽ được điều chỉnh.
Ông Trung cũng cho rằng vừa rồi một số thông tin nói giá xăng dầu giảm nhưng doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước là không đúng. Bởi ngoài thỏa thuận như trên thì doanh nghiệp vận tải nào cũng phải có sự điều chỉnh giá cước phù hợp để giữ hành khách.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist cũng thừa nhận khi giá xăng dầu tăng thì ngay lập tức doanh nghiệp tăng giá cước vận chuyển nhưng khi xăng dầu giảm giá lại viện đủ cách để không chịu giảm giá.
Tuy nhiên, trong những lần xăng dầu tăng giá gần đây, do khó khăn chung của nền kinh tế, Saigontourist đã đàm phán với đối tác không tăng giá cước. Và để bù lại những lần giảm giá xăng dầu gần đây doanh nghiệp vận chuyển cũng không giảm giá cước.
Ông Vinh nói: “Giá vận tải thường chiếm khoảng 30% giá tour nên trong lần giảm giá này công ty sẽ đàm phán với đối tác để giảm giá cước”.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho hay trong những lần giảm giá xăng gần đây mới chỉ có 4 - 5 doanh nghiệp thông báo giảm giá cước. Còn lại phần lớn doanh nghiệp đều không giảm giá với lý do những lần tăng giá xăng dầu trước họ không tăng giá cước.
Theo ông Hải, thường khi xăng dầu biến động khoảng 10 - 15 ngày doanh nghiệp mới thông báo tăng hay giảm giá cước. Mỗi lần tăng, doanh nghiệp dòm ngó nhau dữ lắm bởi chỉ mình tăng thì có nguy cơ mất khách. Cho nên thay vì tăng giá cước, doanh nghiệp cố gắng giữ giá để thu hút khách.
Trung Hiếu
>> Taxi tăng giá cước 500 - 1.500 đồng/km
>> Các hãng tàu đồng loạt tăng giá cước
>> Nhiều doanh nghiệp xe khách tăng giá cước
>> Ngăn chặn tình trạng “liên minh” để tăng giá cước taxi
Bình luận (0)