Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo luật Đất đai sửa đổi có ý nghĩa chính trị quan trọng, tầm ảnh hưởng rộng lớn. Từ rất sớm, Chính phủ và Quốc hội cũng như các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo luật Đất đai sửa đổi.
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, ban hành là rất quan trọng; như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn dân, triển khai sâu, rộng đến từng thôn, xã, tổ dân phố, cơ sở, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân.
Thông qua việc lấy ý kiến, kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy vai trò của bộ luật nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
"Nếu chúng ta làm được điều đó, đây chính là thước đo về năng lực, thể chế hóa các chủ trương của Đảng", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Giá đất trong luật phải sát giá thị trường
Phó thủ tướng cũng cho biết, luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân.
Trong đó, Nhà nước làm tốt quy hoạch, tức phân bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực kinh tế, các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ; đảm bảo sự phân bổ này bền vững cho kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường…
"Làm thế nào để có quy hoạch đảm bảo cùng với các quy hoạch tổng thể quốc gia khác, ngành khác, địa phương các cấp phải trùng nhau, không chồng lấn; có thể phối hợp và tạo điều kiện để quản lý tốt hơn, kế thừa, bổ trợ lẫn nhau?", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý, đồng thời đề nghị hội nghị chỉ ra những điều bất hợp lý trong vấn đề quy hoạch.
Nhấn mạnh bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất đai, trong đó tập trung làm rõ làm sao để có chủ trương, phương pháp, thông tin dữ liệu đầu vào đúng, Phó thủ tướng đề nghị tập trung trao đổi về giải pháp đưa giá đất trong luật sát hơn với giá đất thị trường, không thể kéo dài ở thế giá đất trong luật "rượt đuổi" giá đất thị trường.
"Giá đất theo thị trường là theo điều kiện bình thường, không có "sốt" đất, biến động bất thường. Vậy làm sao có phương pháp xác định giá đất đúng? Làm sao, bao giờ có dữ liệu đúng để xác định giá đất sát với giá thị trường? Khi chưa có dữ liệu đúng, phương pháp đúng thì làm thế nào để xác định giá đất sát với giá thị trường?", Phó thủ tướng nêu vấn đề.
Theo Phó thủ tướng, mọi vấn đề xoay quanh giá đất. Nhà nước với vai trò của mình thì phải thu hồi, định giá. Tuy nhiên, hiện có 2 hình thức: một là, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có thể tự thỏa thuận hoặc thống nhất thỏa thuận giá rồi Nhà nước quyết định thu hồi; hai là hình thức Nhà nước thu hồi.
"Tuy nhiên, 2 hình thức này sẽ có thể tạo ra 2 mặt bằng về giá, có sự chênh lệch nhau. Thường là giá do các doanh nghiệp, tổ chức thỏa thuận sẽ cao hơn hình thức Nhà nước thu hồi. Điều này dễ gây khiếu kiện phức tạp trong giải phóng mặt bằng.
Do vậy, vấn đề đặt ra là phải thống nhất về giá, chính sách hỗ trợ đền bù tái định cư thì mới tạo điều kiện điều chỉnh hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; hài hòa giữa vùng này với vùng khác…” Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó thủ tướng cũng gợi mở thêm vấn đề liên quan đến việc phân cấp mạnh mẽ cho người dân và Nhà nước thực hiện quyền của mình; giải pháp để đất nông nghiệp vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là không gian sinh thái; vấn đề tập trung đất đai…
Bình luận (0)