Thay đổi quy hoạch vì lợi ích nhóm
Chiều 20.2, Ủy ban T.Ư MTTQ VN tổ chức hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Hội đồng), các chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).
GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng, cho hay dự thảo luật quy định việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở 3 cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện theo trình tự từ trên xuống. Điều này có nghĩa quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của cấp trên quyết định quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới. "Điều này theo tôi không hợp lý", ông Đường nói và đề nghị việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được tiến hành từ dưới lên mới sát thực tế và khả thi.
Ông cũng cho rằng các quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng "thiếu cụ thể" nên rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, như "do biến đổi bất thường của tình hình KT-XH làm hạn chế nguồn lực thực hiện" hay "do phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất"… Bên cạnh đó, theo ông Đường, việc dự thảo luật quy định cấp nào có thẩm quyền quy hoạch thì cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch là "quá rộng", khiến việc điều chỉnh trở nên dễ dàng, dễ tùy tiện. "Thực tiễn chỉ ra rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp là vì lợi ích nhóm", ông Đường nhấn mạnh và cho rằng các quy định về lập, và đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải rất chặt chẽ.
PGS-TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng, cũng lo ngại quy hoạch là nơi các nhóm lợi ích tấn công ghê gớm nhất, do đó, nếu để cấp nào lập quy hoạch cấp đó được điều chỉnh như dự thảo luật thì sẽ rất dễ dẫn đến tiêu cực. Ông Nghị đề xuất ngoài các nguyên tắc, trình tự lập thì cũng phải có nguyên tắc, trình tự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. "Vừa rồi quy hoạch cũng hợp lý nhưng cuối cùng còn gì nữa đâu. Nếu cứ điều chỉnh quy hoạch tùy tiện như một số nơi vừa qua thì sẽ không còn gì", ông Nghị nói.
Định giá đất đai sát với giá thị trường
Sáng 20.2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật Đất đai sửa đổi) tổ chức tọa đàm góp ý về các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất thì những vấn đề khác của luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư… Góp ý, PGS-TS Ngô Trí Long, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông, cho rằng giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện. Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá quy định về cách xác định giá đất phổ biến trên thị trường đọc qua có vẻ xuôi, rõ ràng nhưng lại phi khoa học, khi được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường. Theo đại biểu Cường, đất đai là hàng hóa có tính duy nhất, không thể nói mảnh đất của anh bên cạnh giá như thế, thì mảnh đất của nhà tôi có giá tương tự. Từ đó, ông Cường đề nghị giá trị thị trường là mức giá ước tính sẽ được mua bán, giao dịch trên thị trường trong điều kiện bình thường, phù hợp với quy định về khái niệm định giá theo luật Giá.
Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó chủ nhiệm Hội đồng, việc lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, trong luật Đất đai hiện hành cũng như dự thảo luật Đất đai sửa đổi chưa quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế tổ chức lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là ở cấp xã, huyện.
"Đây là vấn đề sống còn của người dân nhưng các dự thảo luật Đất đai gần đây đều chưa làm tốt", ông Thường nhấn mạnh và góp ý dự thảo luật cần quy định rõ về nội dung, thời gian, thành phần, hình thức cũng như phương thức thực hiện lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Hội đồng, cho biết khoảng 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân hằng năm liên quan đất đai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đất đai là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau đó tìm cách điều chỉnh nhằm phục vụ mục đích cá nhân, lợi ích nhóm… Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị luật Đất đai sửa đổi cần phải quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện về không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân. "Việc quy hoạch thời gian qua không thực sự quan tâm tới những tác động này", ông Nhưỡng nêu.
Cân nhắc thu hồi đất để phát triển KT-XH
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu góp ý là quy định về thu hồi đất, đặc biệt là thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đọc lại quy định tại điều 78 dự thảo luật về dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, PGS-TS Phạm Hữu Nghị cho rằng đây là ngôn ngữ của nghị quyết của Đảng chứ không phải ngôn ngữ pháp lý và điều này dẫn đến khó áp dụng trong thực tế. Ông Nghị đề nghị cần phải quy định cụ thể các tiêu chí đối với các dự án này, còn nếu không ra được tiêu chí thì nên bỏ.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (hiện nay là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN - VCCI), Ủy viên Hội đồng, đề nghị không nên quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất.
"Nhà nước đầu tư công để làm dịch vụ công thì không vấn đề gì. Tôi băn khoăn nhất là thu hồi đất cho các dự án phát triển thương mại. Mất cán bộ, mất đảng viên nằm rất nhiều trong quy chế này", ông Huỳnh nêu và đề nghị cần phải có giải thích rõ ràng, thuyết phục về thu hồi đất vì lợi ích cộng đồng của quốc gia, dân tộc. Nếu không giải thích được, thì cần có một cơ chế bồi thường, hỗ trợ riêng đối với các dự án phát triển thương mại.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng chỉ rõ việc quy định thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng có thể bị lợi dụng để thu hồi đất phục vụ cho nhu cầu thương mại hay công cộng hóa mục đích thương mại. Ông Nhưỡng cho rằng việc thu hồi đất xây dựng một khu hành chính - chính trị sẽ rất dễ dàng, nhưng có thể bị biến tướng để thu hồi đất làm khu đô thị sinh thái, khu dân cư để kinh doanh. Ông Nhưỡng dẫn chứng có trường hợp thu hồi vì mục đích công cộng sau đó thực hiện phương án "điều chỉnh" quy hoạch và mục đích sử dụng đất thông qua nghị quyết của HĐND nhằm hợp thức hóa cho mục đích thương mại.
Ông Nhưỡng cũng nêu có thực tế việc thu hồi đất phục vụ các mục tiêu lớn của quốc gia, vùng, tỉnh, TP... mang lại những lợi ích lâu dài, rất to lớn, làm lợi cả về KT-XH cho toàn xã hội nhưng chưa quan tâm thích đáng và công bằng tới lợi ích của người có đất bị thu hồi. Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị cần quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất...
Không thể xem nhẹ việc lấy ý kiến người dân
Theo Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 70) về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật Đất đai sửa đổi (Kế hoạch), thời gian lấy ý kiến nhân dân từ 3.1 - 15.3. Tuy nhiên, theo Bộ TN-MT, đến ngày 7.2, mới có 28 bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch.
Ngày 11.2, nhận thấy tiến độ lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký công điện của Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tập trung mọi nguồn lực thực hiện; nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch. Sau công điện đốc thúc này, Bộ TN-MT thống kê có 63 địa phương đã ban hành Kế hoạch. Tuy nhiên, tổng số mới có 7 bộ, ngành T.Ư ban hành Kế hoạch.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN (VARS), cho rằng thời gian lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo luật Đất đai sửa đổi không còn nhiều, việc chậm trễ như nêu trên sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dự thảo. Việc để Chính phủ phải ra văn bản đốc thúc các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo luật Đất đai là biểu hiện của sự chưa sát sao của các đơn vị đối với bộ luật lớn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, luật Đất đai thường có "tuổi thọ" 10 năm lại sửa đổi bổ sung: 1993 - 2003 - 2013 và nay là 2023. Để luật Đất đai sửa đổi lần này có tuổi thọ dài hơn thì khâu xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật rất quan trọng. Muốn nâng cao chất lượng dự thảo luật thì không thể xem nhẹ việc lấy ý kiến người dân, ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp cũng rất quan trọng vì có quan hệ mật thiết với quy định của bộ luật này… Đồng thời, việc lấy ý kiến còn giúp luật sau khi được ban hành dễ dàng đi vào đời sống hơn.
Lê Quân
Liên quan vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, ông Trần Hữu Huỳnh đánh giá dự thảo luật quy định nguyên tắc "bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ" là một tuyên ngôn tuyệt vời, đã được người dân phấn khởi tiếp nhận. Tuy nhiên, bản thân ông lại thấy "mơ hồ".
Ông Huỳnh phân tích cái khó nhất là nguyên tắc "thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". "Cái này tôi không biết sau này có xảy ra khiếu nại, khiếu kiện thì tòa án sẽ xử hay hòa giải thế nào, vì thu nhập bao gồm những gì và bằng hoặc hơn nơi ở cũ là thế nào đều không rõ", ông Huỳnh nói và đề nghị bỏ quy định này, nếu không nó có thể là "chỗ dựa pháp lý" dẫn đến hàng trăm, hàng ngàn vụ khiếu kiện với lý do điều kiện thu nhập không bằng nơi cũ.
Ông Đỗ Duy Thường cũng đề nghị trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.
"Chúng ta thường xuyên nhấn mạnh làm gì cũng nghĩ đến lợi ích người dân, nhưng trong dự thảo luật tôi thấy chưa thể hiện rõ để từng bước hạn chế khiếu kiện, bức xúc của người dân khi bị thu hồi đất", ông Thường nêu.
Bình luận (0)