Chiều 20.2, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Hội đồng), các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).
Cân nhắc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội
Góp ý, PGS - TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng, đánh giá quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia gần như "sao chép" lại một cách cơ học nghị quyết của T.Ư Đảng.
Ông Nghị đề nghị cần phải quy định cụ thể các tiêu chí đối với các dự án này, còn nếu không ra được tiêu chí thì nên bỏ.
"Không thể bắt nhà nước đứng ra thu hồi vì lợi ích của một nhóm nhà đầu tư", ông Nghị nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Hội đồng, đề nghị không nên quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất.
"Nhà nước đầu tư công để làm dịch vụ công thì không vấn đề gì. Tôi băn khoăn nhất là thu hồi đất cho các dự án phát triển thương mại. Mất cán bộ, mất đảng viên rất nhiều trong quy chế này", ông Huỳnh nêu.
Ông Huỳnh đề nghị cần phải có giải thích rõ ràng, thuyết phục về thu hồi đất vì lợi ích cộng đồng của quốc gia, dân tộc. Nếu không giải thích được, thì cần có một cơ chế bồi thường, hỗ trợ riêng đối với các dự án phát triển thương mại.
Khó xác định thế nào là thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi cũ
Liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, ông Trần Hữu Huỳnh đánh giá dự thảo luật quy định nguyên tắc "bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ" là một tuyên ngôn tuyệt vời, đã được người dân phấn khởi tiếp nhận. Tuy nhiên, bản thân ông lại thấy "nghi ngờ".
Ông Huỳnh phân tích, cái khó nhất là nguyên tắc "thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
"Cái này tôi không biết sau này có xảy ra khiếu nại, khiếu kiện thì tòa án sẽ xử hay hòa giải thế nào, vì thu nhập bao gồm những gì và bằng hoặc hơn nơi ở cũ là thế nào đều không rõ", ông Huỳnh nói.
Từ đó, ông đề nghị bỏ quy định này, nếu không nó có thể là "chỗ dựa pháp lý" dẫn đến hàng trăm, hàng ngàn vụ khiếu kiện với lý do điều kiện thu nhập không bằng nơi cũ.
Ông Huỳnh phân tích, tiếp cận dự thảo luật Đất đai sửa đổi đối với thu hồi đất chỉ tiếp cận theo khía cạnh vật chất, không tiếp cận theo khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của gia đình bị thu hồi.
"Chúng ta ai chả có quê hương. Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Thu hồi cả tâm hồn của người ta mà chỉ tính bằng tiền sao", ông Huỳnh dẫn 2 câu thơ của Chế Lan Viên trong phát biểu.
Theo ông Huỳnh, nếu đặt vấn đề một cách nhân văn như vậy thì phải coi người bị thu hồi đất thực sự là người hy sinh. "Như vậy ta phải làm một cách toàn diện chứ không phải cân đo đong đếm", ông Huỳnh nói.
Bình luận (0)