(TNO) Các nước giàu dầu mỏ trên thế giới hiện phải đối mặt với mức thâm hụt dự trữ kỷ lục, buộc phải bán tháo các tài sản mua từ chính những 'đồng đô la dầu thô' thu về khi giá dầu đang ở mức cao.
Ả Rập Xê Út và nhiều nước giàu dầu mỏ khác đang cắt giảm dự trữ “đô la dầu thô” - Ảnh chụp màn hình trang Future Money Trends
|
Trong những ngày lạc quan của thị trường dầu mỏ thế giới, các nước giàu dầu thô ăn nên làm ra, tích trữ hàng tỉ đô la - những “đồng đô la dầu thô” (petrodollar) - trong ngân khố. Họ đầu tư vào nợ chính phủ Mỹ và nhiều loại chứng khoán khác. Thỉnh thoảng, họ cũng mua bất động sản và các tài sản xa xỉ như tòa nhà chọc trời ở Manhattan (Mỹ), ngôi nhà sang trọng ở London (Anh) hay cả đội bóng Paris Saint-Germain (Pháp).
Thâm hụt dự trữ kỷ lục
Dự trữ ngoại hối của Ả Rập Xê Út trong tháng 2 có mức giảm cao nhất trong vòng 15 năm qua - Ảnh: Reuters
|
Song tình hình bây giờ đã khác. Hãng tin Bloomberg ngày 14.4 đưa tin hiện tại dầu thô giao dịch trên sàn New York rớt giá 49% so với cách đây một năm. Các chỉ số hàng hóa của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 1 giảm đến mức đáy kể từ giữa năm 2009, và dù đã phục hồi phần nào, nó vẫn đang đứng ở mốc thấp hơn 40% so với mức trần được lập ra hồi đầu năm 2011.
Trong bối cảnh đó, Ả Rập Xê Út và nhiều nước giàu dầu thô khác đang cắt giảm dự trữ bằng “petrodollar” của họ. Một vài quốc gia, chẳng hạn như Angola, còn đang tiêu khoản dự trữ này với tốc độ kỷ lục.
Dự trữ ngoại hối của Ả Rập Xê Út, quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, giảm 20,2 tỉ USD chỉ trong tháng 2, theo số liệu từ Cơ quan tiền tệ Ả Rập Xê Út. Đây là mức giảm hằng tháng lớn nhất trong vòng 15 năm qua của nước này và gấp đôi so với mức giảm trong đợt khủng hoảng tài chính đầu năm 2009.
Tại Angola, dự trữ ngoại tệ giảm 5,5 tỉ USD trong năm ngoái, mức giảm hằng năm lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Với Nigeria, dự trữ ngoại hối trong tháng 2 vừa qua giảm 2,9 tỉ USD, cũng là con số lớn nhất kể từ khi dữ liệu so sánh bắt đầu được ghi nhận vào năm 2010. Ở Algeria, một trong các nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, cũng mất đi 11,6 tỉ USD trong tháng 1 (mức giảm kỷ lục trong vòng 1/4 thế kỷ).
Ghi nhận số liệu tại quốc gia sản xuất dầu mỏ Oman, nước giàu đồng Chile và quốc gia trồng bông Burkina Faso cũng cho thấy tình hình bi quan tương tự.
Đặc biệt, theo tính toán của Mỹ, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ thu về 380 tỉ USD từ việc buôn bán dầu thô, giảm đến 350 tỉ USD so với năm 2014. Đây là mức giảm kỷ lục trong lịch sử.
“Một cú sốc rất lớn đối với các quốc gia giàu dầu thô”, Rabah Arezki, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa tại IMF nói.
Bán tháo tài sản “đô la dầu thô”
Các nước giàu dầu thô sẽ bán hơn 200 tỉ USD tài sản trong năm nay để thu hẹp khoảng cách giữa lợi nhuận và chi tiêu - Ảnh: Reuters
|
David Spegel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng chính phủ ở thị trường mới nổi của Hãng dịch vụ tài chính Pháp BNP Paribas ở London (Anh) cho biết: “Các nước giàu dầu thô sẽ bán hơn 200 tỉ USD tài sản trong năm nay để thu hẹp khoảng cách giữa lợi nhuận và chi tiêu”.
Trước đây, khi giá dầu thô cao, các nước sản xuất dầu thô tái đầu tư phần lớn những “đồng đô la dầu thô” vào nợ chính phủ Mỹ và nhiều nước khác. Hiện tại, khi họ rút xuống các khoản dự trữ của mình, các nước Trung Đông có thể sẽ bán bớt một phần tài sản châu Âu mà họ nắm giữ, chiến lược gia George Saravelos thuộc Ngân hàng Deutsche Bank cho biết.
Theo ước tính của IMF, các quốc gia xuất khẩu dầu thô chỉ có thể cân bằng ngân sách nếu giá dầu là 75 USD/thùng. Trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa của IMF Rabah Arezki cho biết trừ khi các nước xuất khẩu dầu thô giảm chi tiêu, họ “không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm bớt số tài sản tài chính bất cứ khi nào có thể”.
Có 2 luồng ý kiến khác nhau về tác động sắp tới của các đợt bán tháo này lên nền kinh tế tài chính thế giới. Song theo quan điểm được IMF ủng hộ, tác động của đồng đô la dầu mỏ khi nó chuyển hướng là đáng chú ý vì chúng đủ lớn để chuyển biến tâm lý thị trường.
Trước tình hình hiện tại, Bộ trưởng tài chính Ả Rập Xê Út Ibrahim Abdulaziz Al-Assaf nói với kênh CNBC rằng nước này có đủ dự trữ để tồn tại trong “một thời gian khá dài”. “Chúng tôi đã rút được kinh nghiệm từ quá khứ. Thị trường dầu mỏ, như mọi người đã biết, luôn đi lên và xuống, qua đỉnh và xuống đáy”, ông khẳng định.
Bình luận (0)