Trước thời điểm bắt đầu các giao dịch điện tử của phiên 13.7 (vào rạng sáng nay, giờ VN), Viện Dầu mỏ Mỹ (API) công bố báo cáo tuần cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần vừa qua (tính tới ngày 8.7) đã tăng trở lại. Đây là tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần qua, thống kê của API cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.
Giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 8 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) do đó đã giảm nhanh tới 90 cent, tương đương giảm 0,9%, xuống mức 96,53 USD/thùng. Ghi nhận lúc 9 giờ 16 phút sáng nay (giờ VN), giá dầu thô tại NYMEX ở mức 97,04 USD/thùng, giảm 0,4% so với mức chốt phiên 12.7.
|
Tại thời điểm chốt phiên 12.7, giá dầu thô giao tháng 8 tại NYMEX đạt mức 97,43 USD/thùng, tăng mạnh 2,28 USD/thùng, tương đương tăng 2,4% so với phiên đầu tuần. Đây cũng là mức chốt phiên cao nhất ghi nhận được trên sàn dầu NYMEX kể từ phiên 7.7. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá dầu tại đây hiện tăng 26%.
Giá dầu Brent giao tháng 8 tại London sáng nay cũng giảm tới 50 cent, tương đương giảm 0,4%, xuống còn 117,25 USD/thùng. Mức chốt phiên 12.7 của dầu loại này là 117,75 USD/thùng, tăng 0,4% so với phiên đầu tuần.
Theo báo cáo của API, dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước đã tăng 2,3 triệu thùng, lên 359,4 triệu thùng. Báo cáo chính thức về vấn đề này của Bộ Năng lượng (DOE) sẽ công bố vào tối nay. Các chuyên gia của Bloomberg dự đoán DOE sẽ công bố mức giảm dự trữ 1,5 triệu thùng.
Từ phía bên kia bờ Đại Tây Dương, một thông tin có tác động mạnh tới thị trường dầu, vàng và hàng hóa được công bố: Moody’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Ireland từ Ba1 xuống Baa3, một mức được xem như “không nên đầu tư”.
Sau khi thông tin này được công bố, đồng euro tiếp tục rớt giá mạnh so với USD, thậm chí đã để mất mốc 1,4 USD/1 EUR, được coi như mốc tỷ giá trao đổi thấp nhất đối với euro trong vòng 4 tháng qua. Euro trượt giá đồng nghĩa với đồng bạc xanh của Mỹ tăng giá, kéo các nhà đầu tư lơ là với đầu tư vào sàn giao dịch hàng hóa, dầu, vàng.
Giới đầu tư kinh doanh và các chuyên gia kinh tế thế giới lo ngại khủng hoảng nợ công từ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha tới đây sẽ quét sang tới Ý khi mới đây có thông tin có thể Liên minh châu u (EU) sẽ phải chi tới 1.500 tỉ euro giúp Ý chống đỡ với nợ nần. Khủng hoảng lan rộng thì tất yếu kinh tế sẽ trì trệ và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cầu tiêu thụ dầu thô thế giới trong tương lai, dù chỉ là ảnh hưởng gián tiếp.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu năm nay sẽ ở mức 88,1 triệu thùng/ngày, tăng 1,4 triệu thùng so với số liệu năm 2010. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo mức tăng này sẽ giảm nhẹ trong năm 2012 do nhu cầu tiêu thụ cho sinh hoạt tại châu u và nhu cầu của các quốc gia công nghiệp giảm.
Bộ Năng lượng Mỹ dự đoán giá dầu thô tại New York trung bình trong năm 2011 sẽ vào khoảng 98,43 USD/thùng, thấp hơn so với mức dự đoán 101,91 USD/thùng đã công bố trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn hồi tháng trước. Báo cáo này cũng giảm mức dự đoán tiêu thụ dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ toàn cầu năm nay xuống mức 88,16 triệu thùng/ngày, so với mức 88,43 triệu thùng/ngày hồi tháng trước.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)