Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 17.8, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 9 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đạt mức 87,58 USD/thùng, tăng 93 cent (tăng 1,1%). Hiện giá dầu tại đây cao hơn 16% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Giá dầu Brent giao tháng 10 tại London cũng tăng 1,47 USD/thùng (tăng 1,3%), chốt phiên ở mức 110,6 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích thị trường, chính việc đồng USD giảm giá so với euro đã khiến giới đầu tư nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường dầu thô, vàng, đẩy lực cầu trên các thị trường này tăng cao.
Ghi nhận lúc 2 giờ 16 (rạng sáng 18.8, giờ VN), tỷ giá trao đổi giữa USD và euro ở mức 1,4451 USD/1 EUR. Như vậy, so với cùng thời điểm ngày 17.8, giá trị đồng đô la Mỹ đã giảm 0,3% so với euro.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô trong phiên này cũng bị hạn chế bởi thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến. Theo báo cáo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước (tính đến 12.8) đã tăng thêm 4,23 triệu thùng, lên thành 354 triệu thùng. Trước đó, các chuyên gia đã đưa ra mức dự đoán giảm 500.000 thùng cho dự trữ dầu thô tại Mỹ.
Dự trữ nhiên liệu cất (gồm diesel và dầu sưởi) tăng 2,45 triệu thùng, lên thành 154 triệu thùng. Trong khi đó, dự trữ xăng lại giảm 3,51 triệu thùng, xuống còn 210,1 triệu thùng. Sản lượng sản xuất xăng của các nhà máy lọc dầu Mỹ giảm 2,2%, xuống mức trung bình 9,32 triệu thùng/ngày. Lượng tiêu thụ xăng trong tuần trước giảm 0,5%, xuống 9,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xăng giao tháng 9 tại NYMEX tăng 1,65 cent (tăng 0,6%), lên mức 2,8703 USD/gallon.
Theo lý giải của một số nhà phân tích, việc dự trữ xăng giảm trong khi dự trữ nhiên liệu cất tăng là điều bình thường, chủ yếu do sự chuyển hướng sản xuất của các nhà máy lọc dầu, tập trung vào các loại nhiên liệu cất nhằm phục vụ nhu cầu trong mùa đông tới.
* Trên thị trường chứng khoán thế giới, các chỉ số chứng khoán tăng giảm đan xen. Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 tăng nhẹ 0,09%, chốt phiên ở mức 1.193,89 điểm; Dow Jones Industrial tăng 0,04%, lên thành 11.410,2 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,5%, xuống còn 2.511,48 điểm.
Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng nhẹ 0,2%. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,73%, lên chốt phiên ở mức 3.254,34 điểm; FTSE 100 của Anh giảm 0,49%, xuống còn 5.331,6 điểm; DAX của Đức giảm 0,77%, xuống còn 5.948,94 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 0,62%; FTSE MIB của Ý tăng 1,27%; PSI General của Bồ Đào Nha tăng 1,01%; ISEQ của Ireland tăng 1,13%.
Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacifci tăng 0,3%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,5%, xuống còn 9.057,26 điểm; HSI của Hồng Kông tăng 0,38%, lên thành 20.289 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 0,26% và 0,4%; KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,68%; S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,33%.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)