Tại thời điểm chốt phiên 29.6, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 8 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đạt 94,77 USD/thùng, tăng 1,88 USD/thùng, tương đương tăng 2% so với phiên trước đó.
Như vậy, chỉ trong hai phiên vừa qua, giá dầu thô giao kỳ hạn tại NYMEX đã tăng tới 4,6%, là hai phiên tăng mạnh nhất kể từ phiên 10.5 vừa qua. Tuy nhiên, tổng kết trong quý 2.2011 tính tới hết phiên 29.6, giá dầu thô tại đây đã giảm 11%. Hiện giá dầu giao kỳ hạn tại New York cao hơn 25% so với cùng thời điểm năm ngoái.
|
Giá dầu thô Brent giao tháng 8 tại London (Anh) tăng mạnh 3,62 USD/thùng, tương đương tăng 3,3% so với phiên liền trước, chốt phiên ở mức 112,4 USD/thùng.
Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước (tính tới 24.6) đã giảm thêm 4,38 triệu thùng, giảm 1,2%, xuống còn 359,5 triệu thùng, gấp gần 3 lần con số dự đoán giảm 1,5 triệu thùng mà các chuyên gia đưa ra trước đó.
Đây cũng là tuần thứ tư liên tiếp thống kê dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm xuống. Theo các chuyên gia phân tích, điều này một phần là do sự tụt giảm nghiêm trọng nguồn dầu thô nhập khẩu (giảm 3 triệu thùng, xuống còn 8,88 triệu thùng/ngày, trong cùng thời gian).
Trong khi đó, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA mới đây đã quyết định mở kho dự trữ của các thành viên để bình ổn nguồn cung thế giới, trong đó, hơn một nửa nguồn cấp cho thế giới sẽ được lấy từ kho dự trữ của Mỹ. Điều này sẽ khiến dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh và khá dài trong thời gian tới.
Cùng với đó, các thông tin về diễn biến khủng hoảng nợ công châu u và đồng EUR mạnh lên so với USD tạo thêm lực đẩy giúp giá dầu thô tăng cao trong phiên này. Quốc hội Hy Lạp hôm qua (29.6, giờ VN), đã thông qua kế hoạch cắt giảm ngân sách và bán bớt tài sản công trị giá 78 tỉ EUR (tương đương 112 tỉ USD) của Thủ tướng nước này George Papandreou.
Tỷ giá trao đổi giữa đồng EUR và đồng USD của Mỹ được ghi nhận ở mức 1 EUR đổi 1,4424 USD, giá trị đồng EUR tăng 0,4% so với phiên 28.6. Trước đó, tỷ giá trao đổi giữa hai loại tiền tệ này thậm chí còn chạm tới mức cao nhất kể từ hôm 15.6, 1 EUR đổi 1,4448 USD.
Thông tin về cơn bão Arlene tấn công khu vực vịnh Mexico có thể sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu thô vào Mỹ cũng là một nguyên nhân đẩy giá dầu tăng. Trong tháng 3, Mexico đã xuất khẩu 1,19 triệu thùng/ngày vào Mỹ, chỉ đứng sau sản lượng xuất khẩu của Canada.
Trong thời gian tới, giá dầu thô thế giới có thể sẽ tăng cao hơn nữa do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết có thể sẽ cắt giảm sản lượng để đối phó với việc IEA mở kho dự trữ dầu thô của các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên của IEA nhiều khả năng khó có thể đồng thuận với quyết định mở kho cung cấp dầu thô ra thế giới của IEA trong tháng tới.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)