Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 1.8 (rạng sáng nay, 2.8, giờ VN), giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 9 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) đạt mức 94,89 USD/thùng, giảm 81 cent, tương đương giảm 0,9% so với phiên cuối cùng của tháng 7.
Đây là mức chốt phiên thấp nhất của giá dầu thô giao kỳ hạn tại NYMEX kể từ cuối tháng 6 tới nay. Hiện giá dầu tại đây tăng 20% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Giá dầu Brent giao tháng 9 tại London (Anh) tăng nhẹ 7 cent, lên thành 116,81 USD/thùng. Hiện chênh lệch giá giữa dầu thô WTI tại New York và dầu thô Brent tại London ở mức 21,92 USD/thùng, nghiêng về phía dầu Brent.
Nguyên nhân khiến giá dầu thô tiếp tục giảm nhẹ trong phiên này là do sản xuất công nghiệp tại Mỹ và nhiều nước châu u đã giảm mạnh trong tháng 7 vừa qua.
Tại Mỹ, Viện Quản lý nguồn cung cho biết, chỉ số sản xuất ISM của các nhà máy Mỹ trong tháng 7 đã giảm xuống 50,9 điểm, so với mức 55,3 điểm hồi tháng 6.
Con số này đáng thất vọng khi các chuyên gia kinh tế trước đó mới chỉ dự đoán chỉ số ISM của các nhà máy Mỹ sẽ giảm xuống 54,5 điểm. Số liệu này cũng cho thấy tốc độ phát triển công nghiệp Mỹ hiện đang thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Theo số liệu của viện nghiên cứu Markit Economics (châu u) thì chỉ số sản xuất của các nhà máy tại Anh trong tháng 7 vừa qua đã giảm xuống 49,1 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6.2009, so với mức 51,4 điểm hồi tháng 6. Cũng theo tổ chức này, chỉ số đo sức sản xuất của các nhà máy tại Nga đã giảm xuống 49,8 điểm so với mức 50,6 điểm hồi tháng 6.
Tại châu Á, chỉ số quản lý thu mua PMI - biểu hiện cho mức độ phát triển của ngành công nghiệp Trung Quốc - đã giảm xuống 50,7 điểm trong tháng 7, so với mức 50,9 điểm hồi tháng 6.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, đã có lúc giá dầu thô tại Mỹ tăng tốt khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết lãnh đạo nước này đã đạt được thỏa thuận về tăng trần nợ cho Chính phủ Mỹ.
Theo thỏa thuận này, Tổng thống Obama sẽ phải đồng ý cắt giảm chi tiêu công mạnh tay hơn, không tăng thuế. Đổi lại, trần nợ của Chính phủ Mỹ sẽ được tăng lên theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 được tiến hành ngay lập tức với con số tăng trần lên thêm 1.000 tỉ USD. Giai đoạn 2 và con số cụ thể sẽ được bàn thảo quyết định trong thời gian từ giờ đến hết năm 2011.
Thông tin này khi mới công bố đã thúc đẩy thị trường dầu thô tăng giá. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực năng lượng Adam Sieminski của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) thì thỏa thuận này chỉ tạm thời giúp nước Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ, nhưng về lâu dài, thị trường còn nhiều nguy cơ biến động mạnh.
Trong lúc đó, một kết quả khảo sát từ Bloomberg cho biết, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 7 vừa qua đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 12.2008. Theo đó, sản lượng của khối này tăng 245.000 thùng/ngày, tương đương tăng 0,8% lên mức trung bình 29,565 triệu thùng/ngày.
Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)