|
Những tấm bảng sơn son, viền thếp vàng trông hơi giống những ô cửa nhỏ ở một góc sâu trong Văn Miếu, gần nơi thờ nhà giáo Chu Văn An. Những người đứng quanh chờ đợi, trong đó phần lớn là người trẻ đang độ tuổi đến trường. Người áp sát được bảng dùng chính ngón tay mình viết những chữ không rõ lên mặt bảng. “Tôi nghe nói đây là bảng vàng. Nếu đề tên lên đây là thi cử sẽ gặp nhiều may mắn. Cầu gì được nấy. Vì thế năm nào đến đây tôi cũng làm như vậy, lấy tiền xoa lên bảng, dùng ngón tay viết tượng trưng. Sau đó để tiền dưới hộc tủ để điều ước thành hiện thực”, Ngọc Mai - một thiếu nữ 20 tuổi chia sẻ.
Mai đi một mình. Còn nhiều người khác đi cùng với gia đình tới. Cô Lê Thị Hương, người mẹ trẻ cũng mang hai con mình tới đây, để đề tên lên bảng vàng. “Đầu năm tôi thường đưa các con đến Văn Miếu để cầu may. Cô thấy người ta nói đây là “bảng vàng”, dùng tay viết lên đó nhưng mong muốn thì sẽ được thành công, đỗ đạt. Vì thế tôi cũng bảo các cháu làm theo, chứ thực chất tôi cũng không hiểu rõ về nguồn gốc cái bảng này”.
Không chỉ viết tượng trưng bằng ngón tay, nhiều người còn dùng vật cứng để viết trên tấm bảng. Dường như họ cho rằng điều đó khiến may mắn trong khoa cử của họ sẽ đến chắc chắn hơn. Trên “bảng vàng” này do đó đã chằng chịt nhiều vết khắc.
Thiêng hóa tủ đồ
ThS Đỗ Hương Thảo, Phó giám đốc Bảo tàng Nhân học, người nhiều năm nghiên cứu về khoa cử Việt Nam cũng cho biết: “Về nguyên tắc bảng vàng ghi tên người thi đỗ tiến sĩ là treo ở trường thi Hội. Thời Nguyễn bảng này được treo ở cửa Ngọ Môn. Về mặt lịch sử, Văn Miếu không có bảng vàng nào cả, ở đó chỉ có bia đá”.
|
Khi được hỏi về “bảng vàng” này, ông Nguyễn Văn Tú, Phòng Nghiên cứu và sưu tầm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Bảng vàng là những tấm giấy vàng đề tên người thi đỗ chính bảng được nhà vua phê chuẩn. Những tấm bảng mà người dân cứ đồn thổi là bảng vàng thực chất chỉ là khoang tủ để treo hiện vật lịch sử. Hiện vì đang trong quá trình tu bổ nên nó được đặt tạm ở đó. Chúng tôi cũng chưa bao giờ đưa ra thông tin đó là những tấm bảng vàng cả”.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người không biết đấy chỉ là những khoang tủ đồ đặt tạm. Đã vậy, họ còn được rỉ tai nhau rằng đây là bảng vàng. Vì thế nhiều ngày nay việc các sĩ tử chen lấn để tự ghi tên mình trên đó vẫn diễn ra. “Chúng tôi làm bảo vệ ở đây, cũng biết đó là tủ để đồ. Họ cứ đồn nhau là bảng vàng như thế. Chúng tôi cũng đã nhắc khách tham quan như vậy nhưng họ vẫn không nghe”, một bảo vệ cho biết.
Cũng theo ông Tú, không chỉ những khoang tủ mà cả những giá để đồ trong gian thờ Chu Văn An cũng được người dân thiêng hóa. Họ cho rằng đó là những vật linh thiêng rồi viết tên mình và đặt tiền lên đó để cầu xin.
“Chúng ta đang có hiện trạng người dân ít hiểu biết về văn hóa, tôn giáo nhưng lại sùng tín. Kết quả là nhiều người cứ thấy bát hương là lao vào thắp hương mà không cần biết nơi đó thờ gì”, GS Ngô Đức Thịnh nói. Điều này cũng lý giải phần nào tâm lý của những người viết tên lên tủ để đồ mà cứ nghĩ là bảng vàng. Thậm chí, theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, có những bát hương còn được đặt bên cạnh những bia ghi tên người đã công đức xây dựng chùa. Trong khi đó, những người này vẫn đang còn sống.
GS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa nói: “Chuyện người nọ mách người kia rồi thành phong trào như thế này cũng không hiếm. Chỉ cần một lời đồn, rồi thấy hay hay là người dân mách nhau. Tâm lý người đi lễ là vậy, họ có tìm hiểu sâu xa đâu”.
Tuy nhiên, theo GS Lý, ở đây có hai vấn đề. Một là ban tổ chức phải dẹp đi bằng cách cất đi hoặc có người ở đó thông báo. Hai là truyền thông cũng cần lên tiếng giúp. “Phải có người giải thích, hoặc có bảng ghi. Nói vài lần thì dân họ hiểu ngay. Chuyện đặt tiền cũng thế, tốt nhất phải nhắc ngay. Nếu không, cứ kệ để đó thì chỉ cần một người thấy đặt tiền là người khác sẽ đặt tiền theo”.
Nguyệt Anh - Trinh Nguyễn
>> Người Hà Nội nô nức đến Văn Miếu xin chữ đầu năm
>> Văn Miếu căng dây giữ rùa
>> Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Văn miếu Trấn Biên
>> Thí sinh ồ ạt đến Văn Miếu cầu may
>> Giải cứu bia tiến sĩ ở Văn Miếu
Bình luận (0)