Giá điện có thể tăng tiếp trong năm 2013

23/12/2012 04:10 GMT+7

Dù vừa công bố tăng giá điện hôm 21.12 nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn cho biết có khả năng tiếp tục tăng giá với mức cao hơn trong năm 2013.

Áp lực kép

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN lý giải việc chọn thời điểm tăng giá cũng như mức tăng 5% từ 22.12, là “dễ chịu” và hợp lý. Tuy nhiên, hàng loạt DN và các chuyên gia đều cho rằng đây không phải là thời điểm hợp lý, bởi việc tăng giá điện sẽ tạo áp lực kép với cả nền kinh tế và người dân.

Việc EVN lựa chọn thời điểm tăng giá vào những ngày cuối năm, sau khi các chỉ số kinh tế cơ bản như CPI đã được tính toán xong, được nhiều chuyên gia cho là lựa chọn “khôn khéo” của DN này cũng như Bộ Công thương. Theo TS Lê Đăng Doanh, chọn tăng giá điện vào ngày 22.12 (tương tự năm 2011 EVN cũng tăng giá lần thứ 2 trong năm vào ngày 20.12) giúp CPI của cả năm vẫn giữ được con số đẹp. Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, việc tăng giá vào thời điểm này sẽ góp phần đáng kể vào việc làm tăng thêm giá hàng hóa vào dịp tết, thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân vốn đã khó khăn, chứ không chỉ đơn thuần mỗi hộ tăng thêm vài chục nghìn đồng tiền điện như tính toán của EVN.

Đáng nói hơn, trả lời báo chí, ông Tri cho rằng việc tính toán tác động tăng giá điện tới sản xuất là việc của các DN, EVN không có nghĩa vụ tính hộ. Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, điện là một trong những yếu tố chi phí đầu vào quan trọng của các DN, việc ngành điện “bỏ lơ” không tính tới sức ép các DN phải chịu đựng khi tăng giá điện là không hợp lý. Cũng theo ông Doanh, chi phí đầu vào của DN Việt Nam đang ở mức cao hơn hầu hết các nước trong khu vực, việc tăng giá điện vào thời điểm sức DN đang rất yếu sẽ khiến sản xuất khó khăn hơn, hàng tồn kho càng tăng mạnh.

 
Giá điện năm 2013 có thể tăng mạnh - Ảnh: Ngọc Thắng

“Hứa hẹn” tăng mạnh

Dù chưa khẳng định trực tiếp, nhưng những thông tin ông Đinh Quang Tri cung cấp cho thấy khả năng giá điện trong năm 2013 tăng cao hơn mức tăng của năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhất là khi gánh nặng lỗ 26.000 tỉ đồng chênh lệch tỷ giá (mà theo ông Tri, nếu cho bù hết vào giá điện sẽ tăng luôn một lần mấy chục phần trăm) chưa được giải quyết nhiều, khi mới chỉ được bù 3.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ, khoản nợ này sẽ phải tính toán hết vào giá điện từ nay đến năm 2015, đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới, mỗi năm cơ cấu đầu vào tính giá điện ít nhất sẽ phải gánh thêm 6.000 - 7.000 tỉ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá của EVN, chưa kể các khoản lỗ kinh doanh phát sinh khác.

Đặc biệt năm 2013, theo ông Tri, ẩn số lớn nhất là vấn đề thiếu nước thủy điện, khiến nguồn điện có thể thiếu hụt vài tỉ kWh và EVN sẽ phải chạy bù điện dầu với chi phí phát sinh thêm khoảng 6.000  - 7.000 tỉ đồng nữa. Nếu điều này xảy ra, áp lực “cõng” lỗ trong giá điện của năm 2013 sẽ lớn hơn nhiều con số 10.000 tỉ đồng và chắc chắn mỗi lần tăng giá điện sẽ không dừng lại ở mức 5% như gần đây.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, vấn đề hiện nay là giá điện vẫn chưa công khai, minh bạch. “Thay vì công bố giá thành hằng năm như hiện nay, EVN cần sớm tiến tới cơ chế công bố hằng quý, nói rõ cho người dân biết giá thành 1 kWh là bao nhiêu, giá bán là bao nhiêu. Nếu có sự minh bạch đó thì người dân mới hiểu được chính xác mức độ lỗ lãi của EVN và đồng thuận nếu EVN phải tăng giá vì lỗ”, ông Ngãi nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trước đây EVN phải treo lỗ, nên việc tăng giá để bù là có lý. Nhưng ông Phong cho rằng, có 2 điểm không hợp lý mà lãnh đạo EVN chưa làm rõ được: Với các khoản lỗ mà EVN công bố thì bao giờ bù lỗ xong, và bù xong thì có hạ giá nữa không hay tiếp tục duy trì giá để hưởng lợi. “Nếu EVN không giải thích thỏa đáng được tính hợp lý của các khoản lỗ này cũng như lộ trình bù lỗ và sau bù lỗ, thì việc tăng giá điện này không hề phù hợp với bối cảnh chung”, ông Phong nhìn nhận.

Giảm 1% tổn thất điện năng tiết kiệm cả nghìn tỉ đồng

Theo một chuyên gia, giá điện đã có thể không gánh nhiều áp lực tăng như thế, nếu EVN quản lý tốt hơn, tiết giảm nhiều chi phí đầu vào cấu thành giá điện. Đặc biệt là tổn thất điện năng nhiều năm qua dù đã có yêu cầu phải giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao (trên 9%). Theo vị này, chỉ cần giảm 1% tổn thất điện năng thì mỗi năm ngành điện đã tiết kiệm thêm được cả nghìn tỉ đồng.     

Mai Hà

>> EVN buộc phải tăng giá điện
>> Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện từ 2013 - 2015
>> Doanh nghiệp được quyết định giá điện bán lẻ
>> Chưa điều chỉnh giá điện trong tháng 11
>> Không tăng giá điện trong tháng 11.2012
>> Không tăng giá điện trên đảo Phú Quý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.