Biết được thông tin giá điện tăng, Trần Mỹ Quyên, sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, khá choáng váng. Hiện tại Quyên, đang làm thêm công việc bán nước ép, sinh tố trên đường Đặng Văn Bi, TP.Thủ Đức, TP.HCM, với mức thù lao 25.000 đồng/giờ. Số tiền này chỉ đủ để Quyên trang trải cho việc học và thuê trọ (trọ của Quyên cách chỗ làm thêm khoảng 20 phút chạy xe).
"Nhà trọ mình hiện tại đang tính giá điện là 3.100 đồng/kWh. Nếu điện tăng giá cũng đồng nghĩa số tiền này sẽ tăng cao. Mình sẽ cố gắng ăn uống tiết kiệm lại để gói ghém. Còn nếu không cầm cự nổi, mình lựa chọn ở ký túc xá cho tiết kiệm", Quyên nói.
Ngồi gần đó, Nguyễn Ngọc Thảo, bạn của Quyên, đang chăm chú học tiếng Anh. Thảo chia sẻ rằng hiện tại mình đang tập trung ôn luyện để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, chuẩn bị nộp khi ra trường.
"Cuộc sống sinh viên khá khó khăn, giá điện tăng sẽ khiến mọi thứ căng thẳng hơn", Thảo nói, mắt vẫn dán vào màn hình laptop để học. "Mình đang tính giảm thời gian nghỉ ngơi để làm thêm, bù vào chi phí sinh hoạt".
Là công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung, chị Nguyễn Thị Thủy (35 tuổi) cho biết: "Lương không tăng mà cái gì cũng lên giá. Hai vợ chồng phải tiết kiệm hơn một chút để có tiền đóng tiền điện".
Chị Thủy dự tính sẽ hạn chế sử dụng các thiết bị điện không cần thiết như giảm bật đèn, tắt các thiết bị không sử dụng và ít dùng máy lạnh hơn vào những ngày nắng nóng.
Nhiều người lao động, công nhân và các gia đình có thu nhập thấp như chị Thủy đang phải đối mặt với nỗi lo khi giá điện tăng cao. Với tình cảnh này, chị quyết định cắt giảm thêm nhiều khoản không thực sự cần thiết như: hạn chế ăn ngoài để tiết kiệm chi phí. Mọi thứ đều phải tính toán từng đồng từ tiền gas, nước, xăng…
Xoay xở tìm giải pháp tiết kiệm điện
Hà Tố Phương, sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ giá điện tăng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của giới trẻ. Đối với các bạn ở ký túc xá, việc sử dụng máy lạnh cần được điều chỉnh hợp lý để tiết kiệm điện. Còn với những bạn thuê trọ như Phương thì gần như cuộc sống thêm những nỗi lo toan vì lúc nào cũng phải suy nghĩ cách tiết kiệm điện.
"Nhiều người cho rằng sinh viên sử dụng máy lạnh mới tốn điện. Nhưng thật ra tụi mình cần sử dụng thêm nhiều thiết bị khác như quạt, máy sấy, đèn, laptop… Sinh viên thức khuya học bài nên rất cần nhu cầu chiếu sáng. Riêng mình phải bật đèn mới ngủ được nên giá điện tăng thì chắc nay phải tắt để bớt lo về hóa đơn tiền điện", Phương nói.
Hiện tại, TP.HCM mưa khá nhiều nên thời tiết chưa nóng lắm. Đến các tháng thời tiết oi bức với giá điện như thế, các bạn sinh viên phải tìm cách tránh nóng, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện. Phương dự tính sẽ dành thời gian ở thư viện để hạn chế sử dụng điện ở nhà.
"Thư viện trường mình không bị tính tiền điện nên sẽ tiết kiệm một khoản chi phí. Buổi tối thư viện đóng cửa, mình sẽ tính toán ra các mô hình cà phê giá rẻ, khoảng 25.000 đồng để ngồi làm việc, học bài. Mình cũng phải cân đối xem ở phòng trọ hay ra quán cà phê sẽ tốn nhiều chi phí hơn", Phương chia sẻ.
Phương cho biết hiện tại bản thân đang được mẹ trợ cấp một phần. Nữ sinh này còn dạy thêm để trang trải phần còn lại nên khá thoải mái hơn so với nhiều bạn khác, nhưng vẫn lăn tăn cho việc chi tiêu.
"Có thời gian phòng mình tính giá điện là 1.500.000 đồng/tháng/4 người. Tụi mình đã rất chật vật để chi trả cho khoản này. Nay điện tăng giá, con số này sẽ đến mức không tưởng. Với các bạn không đi làm thêm, tình hình này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống", Phương nói.
Hoàng Khánh Linh, giáo viên của một trường THCS tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng buồn rầu khi nhận được tin điện tăng giá.
"Nhu cầu sử dụng điện của giáo viên khá cao do thường xuyên cập nhật bài giảng. Chưa kể, đồng lương ít ỏi của mình phải nuôi thêm 2 người trong gia đình. Mình chỉ mong rằng khi giá điện tăng, chất lượng cũng tăng, không cúp đột ngột hay luân phiên quá nhiều làm ảnh hưởng đến đời sống người dân", nữ giáo viên nói.
Bình luận (0)