Gia đình 4 đời theo nghề nhiếp ảnh, sưu tầm kỷ vật cũ

01/04/2024 12:12 GMT+7

Gia đình anh Dũng có cụ ngoại, ông ngoại, mẹ và bản thân anh đều theo nghề nhiếp ảnh. Trải qua hàng chục năm nhưng họ vẫn gắn bó và có những kỷ niệm không bao giờ quên với nghề.

Nối tiếp thế hệ trước theo nghề

Anh Lê Dũng (29 tuổi), người chuyên lưu trữ và sưu tầm tư liệu ảnh xưa của Hà Nội qua các thời kỳ. Anh là thế hệ thứ 4 của một hiệu ảnh tại Hà Nội có từ những năm 1950.

Vào thời điểm đó, ở Hà Nội số lượng người theo nghề nhiếp ảnh rất ít vì chi phí theo đuổi bộ môn này khá đắt đỏ. Đa phần những người làm nghề là những gia đình có sở thích chơi ảnh.

Gia đình 4 đời theo nghề nhiếp ảnh, sưu tầm kỷ vật cũ- Ảnh 1.

Cụ ngoại anh Dũng theo nghề nhiếp ảnh từ năm 1950

NVCC

Ông ngoại anh Dũng theo đuổi nghề nhiếp ảnh từ quãng thời gian phụ giúp ba của ông (tức cụ ngoại của anh Dũng) làm ảnh. Đến thời mẹ anh là thời kỳ chuyển giao và phát triển hưng thịnh nhất của nghề ảnh ở Hà Nội.

"Mẹ mình theo nghề năm nay đã gần 40 năm, trải qua các giai đoạn thăng trầm của nghề này. Mẹ vẫn luôn theo đuổi vì đó là nghề của các thế hệ trước để lại", anh Dũng cho hay.

Gia đình 4 đời theo nghề nhiếp ảnh, sưu tầm kỷ vật cũ- Ảnh 2.

Ông ngoại quá cố và mẹ anh Dũng

NVCC

Chàng trai 9X cũng thường xuyên nghe những câu chuyện và kỷ niệm được mọi người trong gia đình truyền lại. Những năm 1980 và 1990, giá phim rất đắt đỏ. Người chụp phải đặt lịch hoặc đăng ký trước cả năm và đặc biệt phải lựa chọn chụp phim màu hay đen trắng.

Gia đình 4 đời theo nghề nhiếp ảnh, sưu tầm kỷ vật cũ- Ảnh 3.

Mẹ anh Dũng nối nghiệp gia đình theo nghề nhiếp ảnh

NVCC

"Ngày đó nghề ảnh rất được tôn trọng. Mỗi khi đi chụp đám cưới về, thợ ảnh đều có một gói quà tình cảm từ gia đình, đôi khi chỉ là chút bánh kẹo nhỏ", anh chia sẻ.

Hồi trước, mua một chiếc máy ảnh, phim chụp rất đắt đỏ, còn kiến thức chuyên môn thì người chơi phải tự mày mò nhiều, tìm hiểu về các kỹ thuật nhiếp ảnh đặc thù cũng như kỹ năng về buồng tối, buồng sáng. 

Lưu giữ kỷ niệm xưa

Anh Dũng cho biết bản thân rất may mắn khi thừa hưởng những tư liệu cũ về ảnh Hà Nội của gia đình. Từ đó, anh phát triển và chia sẻ rộng rãi đến mọi người qua mạng xã hội.

Anh vẫn nhớ câu chuyện về bức ảnh chụp Bác vào năm 1958 cùng với đoàn phụ nữ cả nước tại Phủ Chủ tịch. Sau một trận đánh bom vào năm 1972, bức ảnh đó đã bị hỏng một chỗ, che mất mặt của một người phụ nữ. Người con của cô ấy đã treo bức ảnh hỏng đó suốt 50 năm mà không nỡ bỏ đi vì đó là kỷ vật về người mẹ với Bác.

Gia đình 4 đời theo nghề nhiếp ảnh, sưu tầm kỷ vật cũ- Ảnh 4.

Tấm hình kỷ niệm chụp bà Hoa thời còn trẻ

NVCC

"Nhờ sự hỗ trợ của mình, cô ấy đã tìm được một gia đình khác cũng giữ bức ảnh đó. Mình đã qua xin lại và đem về phục chế, dành tặng cho gia đình. Cũng trong năm đó, mình đã mang bức ảnh phục chế đó đem tặng bảo tàng Hà Nội", anh Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa (55 tuổi), mẹ anh Dũng chia sẻ, bản thân theo đuổi nghề nhiếp ảnh vì đó là truyền thống gia đình cũng như là cái nghề để giải quyết nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Nghề này cần sự đam mê và chăm chỉ nên bà ủng hộ con trai quyết tâm theo đuổi giống thế hệ trước.

Gia đình 4 đời theo nghề nhiếp ảnh, sưu tầm kỷ vật cũ- Ảnh 5.

Một trong những tấm ảnh xưa cũ mà anh Dũng sưu tầm

NVCC

Cách đây khoảng 20 – 30 năm, phương tiện, máy móc chụp hình không có nhiều lựa chọn, thường chụp bằng máy phim. Mỗi dịp tết đến, gia đình làm việc gần như không nghỉ vì phải soạn ảnh, cắt phim cho vào từng túi để trả khách.

"Ngày xưa mọi người chụp hình thường rửa ảnh ra đem về làm kỷ niệm. Thời nay, với sự phát triển của máy ảnh, điện thoại, khách hàng không còn có nhu cầu in ảnh nhiều như trước. Do đó, nghề ảnh cũng gặp nhiều khó khăn hơn xưa", bà Hoa nói.

Gia đình 4 đời theo nghề nhiếp ảnh, sưu tầm kỷ vật cũ- Ảnh 6.

Anh Dũng có đam mê mãnh liệt với nghề

NVCC

Bà luôn trân trọng những khách hàng sau hàng chục năm vẫn nhớ đến, quay lại và chụp hình.

"Hơn chục năm qua, một Việt kiều người Pháp vẫn thường gửi thư thăm hỏi sức khỏe. Mỗi lần bà về Việt Nam, vợ chồng tôi đều đón tiếp như người thân trong gia đình. Người con xa xứ rất yêu và trân trọng những bức ảnh, có nỗi nhớ da diết với quê hương. Tôi rất trân trọng nghề vì những kỷ niệm như vậy. Mong rằng con trai mình sẽ tiếp nối, lưu giữ những khoảnh khắc của người Hà Nội như những thế hệ trước đã từng làm", bà Hoa trải lòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.