Ngay sau khi đấu giá thành công bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ trên sàn đấu Aguttes (Pháp) vào chiều 26.3 với giá gõ búa 205.000 euro (khoảng 5,7 tỉ đồng) và vấp phải nhiều phân tích tranh cãi về khổ tranh lẫn những chi tiết khác biệt (vạt áo, con triện, chi tiết lá cây...) trên tranh đấu giá với ảnh chụp gốc, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại cố danh họa Nguyễn Nam Sơn.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi sinh năm 1959, định cư tại Pháp từ năm 1985. Ngoài công việc thực hành mẫu và tạo mẫu thời trang…, ông còn là họa sĩ, nhạc sĩ tự học; là võ sư Thái Cực quyền. Về nghiên cứu mỹ thuật, ông là tác giả của những chuyên luận hàm súc và nhiều phát hiện như Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; Cơ cấu tổ chức hội họa tại Pháp và giải thưởng hội họa Đông Dương (Prix de l’Indochine). Ông đã cộng tác với bảo tàng Pháp, Viện hàn lâm hải ngoại Pháp cho các triển lãm tranh ảnh liên quan đến Đông Dương.
* Ông đánh giá gì về việc bức tranh của ông ngoại mình bị phân tích là giả?
- Chuyên gia của nhà đấu giá Aguttes sau khi nhận tranh Thôn nữ Bắc Kỳ từ phía nhà sưu tập ở Hà Nội, cũng có thẩm định riêng của họ. Sau đó họ mời tôi thẩm định thêm một lần nữa. Tôi đã xem rất kỹ bức tranh và khẳng định bức tranh vừa đấu giá là tranh thật
Toàn thể bức tranh chủ yếu là sắc màu xanh lá cây chuyển sang lam ngọc, mềm mại, đa dạng và trong trẻo, vẽ ba thôn nữ miền kinh Bắc. Người đứng trước là nhân vật chính, nhỏ tuổi nhất, vai gánh buồng chuối được diễn tả một cách tinh tế. Gương mặt xinh xắn, tóc vấn như một chiếc vương miện cài trên đầu. Cô mặc chiếc áo cộc trắng, cổ áo để lộ ra mảnh yếm đào. Một chiếc quần dài màu đen được cột bằng dải lụa xanh. Một dây bùa trừ tà đeo ở cổ, như một điểm trang.
Đằng sau là hai phụ nữ lớn tuổi hơn. Đó là mùa đông, trời lạnh nên họ mặc áo tơi, buộc khăn mỏ quạ, tông xanh nhấn mạnh thêm vẻ lạnh giá của không gian. Cả ba đều có dáng vấp truyền thống tượng trưng và quen thuộc của người nông thôn miền Bắc Việt Nam.
Tiền cảnh, phía dưới bên phải, các cụm tán lá nhỏ nhắn xinh xinh diễn tả với nhiều sắc xanh, có phong thái nghệ thuật trang trí (art-déco) mượn từ trường Mỹ Thuật Paris. Phía sau, một chiếc nón quai thao trình bày rất khéo léo, như một vầng trăng đêm rằm. Xa xa, ẩn hiện thấp thoáng các bóng cây, tạo sự cân bằng trong bố cục sáng tác.
|
* Chi tiết nào theo ông xác định tranh thật?
- Ở trên góc phải, chữ ký quốc ngữ "Nguyễn Nam Sơn" và một con dấu lục giác. Phía dưới bên trái, lạc khoản tiếng Hán "Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn bút ý", dưới là một triện hình vuông. Với thời gian, hai dấu triện đã phai mờ, khó có thể đọc được.
"Thần" là một cách xưng hô khiêm cung, ở đây có nghĩa tự cho mình là "kẻ hèn".
"Kiếm hồ" : Hồ Hoàn Kiếm, nghĩa là "Hà Nội" (Nơi có hồ Hoàn Kiếm danh tiếng).
Lạc khoản trên nên hiểu "Bức họa này do kẻ hèn ngụ bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) tên là Nguyễn Nam Sơn sáng tác".
Phố Bắc Ninh thời Pháp có tên Maréchal Pétain, sau này đổi tên đường Nguyễn Hữu Huân. Xưa lắm, phố Bắc Ninh còn có tên Bè Thượng, cùng các phố chung quanh như Hàng Tre, Hàng Muối, Bờ Sông…, là trung tâm buôn bán đồ gỗ. Nhà Tam Thọ mở cửa hàng sản xuất khung tranh ở đây cũng là điều bình thường và hữu lý.
|
|
Tôi cũng là người cung cấp tài liệu gia đình, cung cấp bức ảnh gốc chụp bức tranh năm 1936 và cho họ biết thêm về lạc khoản (lần đầu công bố) của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, cũng như thông tin về mộc phía sau tranh. Có lẽ chính vì vậy mà giá tranh tăng vọt khi đấu, vì Aguttes và tôi thoạt đầu chỉ phỏng đoán đấu giá được khoảng 100.000 euro thôi.
Theo tôi, những đánh giá hồ đồ của những người chưa từng nhìn thấy tranh, cũng tệ hại cho tranh Việt Nam giống như những người làm giả tranh vậy.
* Về sự khác biệt của khổ tranh đấu giá (60x52,5) cm với khổ tranh trong ảnh chụp gốc năm 1936 (60x50) cm, ông có nhận xét gì?
- Khổ tranh thoạt đầu nhà đấu giá Aguttes đưa ra chỉ có tính cách thông báo, sau mới đưa chính xác là (60x52,5) cm. Vì vậy tất cả các thông tin khổ tranh (60x50) cm đều bị hủy. Nhưng việc khổ tranh đóng sau khi "bo tranh" không thể chính xác, tùy theo khi làm 'bo tranh" có thể tranh bị lấn một chút.
Mẹ tôi kể, ông Nam Sơn khi đặt bo tranh, luôn theo tiêu chuẩn riêng của mình, là hai bên dọc như nhau, phía trên to hơn phía dưới.
|
* Còn về các chi tiết mà các họa sĩ khác phân tích là khác biệt như vạt áo, con triện, chi tiết lá cây dưới áo, độ đậm nhạt trong lòng bàn tay..., ông nghĩ sao?
- Thực sự, không có sự khác nhau nào cả. Làm sao có thể so sánh hai bức ảnh với hai kỹ thuật khác nhau và cách nhau hơn 80 năm. Ngay cả việc hất ánh sáng đến việc rửa ảnh, chỉ cần dung dịch nhiều hơn một tí, thời gian lâu hơn một tí, độ đậm nhạt của ảnh cũng như chi tiết trong ảnh đã hoàn toàn khác biệt! Người có một chút trình độ cũng hiểu điều này. Đó là chưa nói đến hai góc độ khác nhau khi chụp ảnh. Bức ảnh trắng đen Thôn nữ Bắc Kỳ được chụp vào năm 1936 bởi một nhiếp ảnh gia cùng thời với cụ Võ An Ninh.
Tôi có cung cấp lại hình ảnh tranh được xử lý theo trục ngang, trục dọc để mọi người tự đánh giá. Nhưng dù thế nào đi nữa, trước khi tuyên bố điều gì, có lẽ các "nhà phê bình" ấy nên nhìn tranh thật là hơn!
* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Bình luận (0)