Trong cuốn sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn - vừa nhận giải thưởng Sách Hay lần thứ 10 ở hạng mục Sách phát hiện (do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), nhà nghiên cứu GS Nguyễn Quốc Trị cho biết: "Bùi Thị Xuân là một nhân vật nòng cốt của triều Cảnh Thịnh, có họ hàng bên ngoại với vua Quang Toản như Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Cũng như chồng là Trần Quang Diệu, bà còn là một tướng tài của Tây Sơn đánh đến cùng không chịu đầu hàng, và với tư cách đó, phải bị tội như các tướng khác trong cùng trường hợp. Cuối năm 1801, lúc Vua Quang Toản, sau khi mất Phú Xuân chạy ra Bắc, rồi mang 30 ngàn quân trở vào vùng sông Gianh để lấy lại thủ đô Huế, thì bà cũng mang theo 5 ngàn quân của bà. Hai bên đánh nhau dữ dội, quân Vua Gia Long bị thiệt hại khá nặng và phải lùi".
|
Tìm hiểu qua Thực lục thì vai trò của nữ kiệt họ Bùi được xác nhận trong trận đánh quyết định cuối cùng rất rõ: “Đầu năm 1802, khi quân Tây Sơn tấn công mạnh vào lũy Trấn Ninh. Giặc đến sát lũy Trấn Ninh, vua sai quân túc trực ra ụ bắn ở cửa, bắn giết được hơn một nghìn quân giặc. Giặc đem hết quân đến sát núi Đâu Mâu, bám vào như kiến mà bò lên. Quân ta từ trên núi thả đá xuống, quân giặc bị đè chết rất nhiều. Vợ Trần Quang Diệu là Bùi Thị Xuân cưỡi voi thúc quân liều chết đánh từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Vừa gặp thủy binh của Nguyễn Văn Trương, nhân được gió đông bắc, đánh phá quân giặc ở ngoài biển cướp được 20 chiếc thuyền, bộ binh giặc nghe tin thủy binh thua, sợ mà tan vỡ. Quang Toản chạy. Nguyễn Văn Kiên đem quân đầu hàng".
Tư liệu ở Liệt truyện còn nói rõ hơn nữa về vai trò quan trọng của bà Bùi trong trận đánh này: “Khi Vua Quang Toản sợ muốn rút quân, Thị Xuân nắm cương ngựa lại cố xin lại vây, quân đốc thúc đánh, từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Chợt nghe thủy quân bị Nguyễn Văn Trương đánh thua, mới sợ mà tan chạy cả”. Và trong số “đồ đảng” của Vua Quang Toản “đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng” thì như vậy bà đã bị cực hình cưu thủ, chém và bêu đầu cho mọi người biết như hai ông đó, chứ không có chuyện bị voi chà. Và du có cho là bà bị tội voi chà đi nữa, cũng không thể có cái cảnh bà dõng dạc thẳng tiến đến trước mặt một con voi làm cho nó kính sợ bà như là một chủ cũ của nó, vì tội lăng trì cho 5 voi xé xác không cho phép sự việc xảy ra như vậy.
"Chính sử cũng đã kể rõ ràng cách xử án lăng trì cho 5 voi xé xác. Nếu là đầu cùng 2 chân và 2 tay của bà phải bị quan quân thi hành bản án buộc vào 5 con voi mỗi con đi một hướng để xé xác, thì làm sao bà có thể tự do tiến đến trước đầu 1 con voi để thị uy với nó được", Giáo sư Nguyễn Quốc Trị phân tích.
Con gái nữ danh tướng Bùi Thị Xuân có bị hình phạt nặng như mẹ ?
Về người con gái còn nhỏ tuổi của bà thì càng không thể bị hình phạt voi xé, hay xử tử vì liên đới trách nhiệm với cha là chính phạm là Trần Quang Diệu và mẹ là Bùi Thị Xuân. Bởi, theo luật lệ của Đông phương thời đó đặt nặng quyền lợi và trách nhiệm hỗ tương của những người cùng một gia tộc như một người làm quan thì cả họ được nhờ, con dại cái mang, phụ trái tử hoàn cha vay con trả, chớ không theo chủ nghĩa tự do cá nhân, ai làm nấy chịu, ai làm nấy ăn, như luật lệ Tây phương.
|
Giáo sư Nguyễn Quốc Trị cho biết qui định ở thời đó: "Gia tộc dựa trên nguyên tắc phụ hệ, con lấy họ cha, và nguyên tắc trọng nam, giới nữ được coi như thuộc họ nhà chồng. Ngoài ra, vì bản chất yếu đuối, giới nữ cũng được luật lệ áp dụng hình phạt nhẹ hơn là đối với nam giới. Thật vậy, khi một người phạm một tội nặng nhất, như là “mưu làm phản và làm sự đại nghịch” thì chính người ấy bị xử tử đem lăng trì, còn những người thuộc nam giới cùng họ, là cha, ông, con, cháu, anh em từ 16 tuổi trở lên bị tội trảm, còn con trai từ 15 tuổi trở xuống, cùng mẹ; con gái; vợ cả vợ bé, chị em gái và vợ cả, vợ bé của con kẻ chính phụ ấy đều cấp cho các nhà công thần dùng làm nô. Nếu con gái (kể cả chị em gái) đã định gả rồi, giao trả cho người chồng. Các con cháu (của chính phạm) đã đi làm con nuôi người khác, và vợ (của chính phạm) mới hỏi chưa cưới, đều không bắt tội”.
Đặc biệt, theo Giáo sư Nguyễn Quốc Trị tiết lộ trong sách đã dẫn, rằng: luật nhà Nguyễn không có dùng hình phạt 'tru di tam tộc, giết tất cả những người trong ba họ, là họ cha, họ mẹ, và họ bà nội, như thiên hạ thường tưởng tượng.
"Chính vì vậy, cô con gái của nữ kiệt Bùi Thị Xuân không thể nào bị xử lăng trì voi chà, hay xử tử bằng một cách nào khác được", Giáo sư Nguyễn Quốc Trị khẳng định trong cuốn giải thưởng sách hay Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn.
Bình luận (0)