Gia đình dấu yêu: Ba là một 'siêu nhân'

01/03/2020 11:08 GMT+7

Ba tôi từng đỗ một trường cao đẳng sư phạm nhưng sau đó lại thi vào trường đại học hàng hải. Tôi nghĩ là do cái sau thì gần với ước mơ du lịch của ba hơn dù cũng không mấy liên quan.

Ba từng là một “siêu nhân”. Từ việc chạy xe ôm hay bốc vác, cho đến làm công nhân, dường như không có việc gì mà ba chưa làm qua để lo miếng cơm manh áo. Ba tôi học đại học cũng vì để giữ một suất làm việc ở công ty vận chuyển hàng hải. Vừa học vừa làm, có khi cả hai ngày chỉ chợp mắt vài tiếng đồng hồ. Lúc xem hình chụp của ba mẹ hồi trước, tôi đã hỏi sao lúc trước ba mẹ ốm dữ vậy.
Lúc có công việc ổn định ở công ty, ba xuất phát từ vị trí “lính” thấp nhất, làm việc chuyển hàng ở các cảng. Nhà tôi ở xa cảng nên 5 giờ sáng ba đã phải xuất phát, rồi làm việc đến tận tối mịt, nhưng hiếm khi nào ba không về nhà. Ba nói rằng, mệt như vậy về nhà mới được nạp năng lượng.
Không có bằng cấp như những người khác, cách để ba vươn lên vị trí trưởng phòng chỉ sau một thời gian ngắn chỉ có hai chữ: Nỗ lực.
Những người quản lý ở cảng khi đó không biết tiếng Anh. Ba kể mặc dù chỉ sắp xếp hàng hóa nhưng có việc gì cần trao đổi gấp thì... bất lực. Họ nói gì mình không hiểu và mình nói gì họ cũng chả biết. Cảm giác bất lực và vô dụng đó đã đốc thúc ba miệt mài với việc học ngoại ngữ. Ba đăng ký trung tâm bổ túc, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trên căn phòng nhỏ ở chiếc thuyền, mỗi ngày ba học 5 từ vựng chuyên ngành hàng hải. Ba kể khi mà bản thân có một chút tự tin thì lần nói chuyện với thuyền viên người Anh đã dập tắt tất cả. Ba nhận ra vấn đề còn ở nghe và nói. Phải nghe được thì mới nói được. Và từ đó ba càng giao tiếp nhiều hơn, mình sai thì họ sửa, nhiều lúc mình còn chỉ lại họ một chút về ngôn ngữ của mình. Dần dần, những cuộc trò chuyện với họ như là một thú vui của ba. Sau đó, những người quản lý cần trao đổi thông tin gì, ba sẽ là cầu nối. Và tất nhiên, ba được thăng chức. Nhưng ba đã nói rằng, thứ ba nhận được còn nhiều hơn là chức vụ...
Ba biết rất nhiều thứ.
Cách ba nói về những chiếc thuyền trong ký ức vẫn luôn cuốn hút tôi. Ba kể tôi nghe về chú thuyền viên người Philipine rất thích món cá nướng ba tự tay làm, hay chiếc bàn ủi mà một chú Hàn Quốc thân mến đã tặng khi chia tay. Hay cách mà người thuyền trưởng người Hy Lạp chỉ huy, không hổ danh là một đất nước của biển cả. Những đêm khuya khi neo thuyền ở vịnh Hạ Long, ba có thể thấy mặt trăng in rõ dưới đáy, vừa ngồi nói chuyện để quên cái lạnh, vừa câu hải sản làm đồ nhắm. Ngoài những câu chuyện, ba còn có một bộ sưu tập tiền của 26 quốc gia khác nhau hay những công thức nấu ăn mới lạ học lỏm được từ các đầu bếp.
Nếu tôi hỏi ba về món mỳ ý, ba sẽ kể tôi nghe nhiều thứ về nước Ý và những món ngon khác.
Nếu tôi hỏi về nàng tiên cá, ba sẽ kể tôi nghe một câu truyện thú vị khác của Andersen.
Nếu tôi hỏi về cách kết bạn, ba sẽ chỉ tôi cách đối xử với mọi người như thế nào để gây ấn tượng tốt.
Tôi nhận ra trong quá trình giao tiếp, ba đã lắng nghe và học hỏi nhiều thứ. Ba không có cơ hội đi đây đi đó, vì thế ba trải nghiệm bằng trí tưởng tượng. Đó cũng là lý do vì sao sau này ba hay khuyên tôi đọc thật nhiều sách. Sách cũng giống như một con người. Đọc bất kỳ cuốn sách nào cũng như ta đang gặp gỡ tâm hồn của người viết sách, và cả trí tuệ.
Trước khi ba làm ở công ty, đã có một thời gian ba thử sức với máy móc. Dù không qua trường lớp hay các khóa học bài bản, ba vẫn tự tin có thể sửa chữa máy móc như một người thợ lành nghề. Chỉ bằng sự nỗ lực, ba học hỏi từ bạn bè, từ những người đi trước, ba học hỏi thông qua quan sát và nghiên cứu thông tin trên các công cụ tìm kiếm. Và cứ thế, tôi nhận ra không gì là không thể. Dường như ba có thể làm tất cả, ở bất kỳ lĩnh vực nào đi chăng nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.