Lý do thứ hai là các bạn hay nhắn tin hỏi thăm bài vở này nọ, con không xài điện thoại di động nên bị các bạn cho ra rìa. Cuối cùng là sắp tới sinh nhật con, con sẽ rất vui nếu đây là món quà sinh nhật.
Dù đã nghĩ tới việc này vài lần nhưng đây hẳn là dịp không thể né tránh được nữa với ngần ấy lý do; hơn nữa, mười hai tuổi mới bắt đầu xài điện thoại cũng không phải quá sớm so với trẻ con cùng lứa, chúng tôi quyết định cho cu cậu chiếc điện thoại dư không còn mới nhưng vẫn chạy tốt kèm một số điều kiện: chỉ dùng wifi và các ứng dụng gọi nhắn tin miễn phí, sim chỉ dùng khi cần thiết hoặc không có wifi, tải các ứng dụng mất phí phải có bố mẹ đồng ý, công khai mật khẩu, chỉ dùng điện thoại vào những giờ nhất định, phải dành thời gian tối thiểu để trò chuyện, trao đổi với bố mẹ mỗi ngày...
Cu cậu vui lắm, ngay lập tức thay ảnh nền điện thoại chụp hai anh em trong một chuyến đi chơi rồi nhờ tôi chụp ảnh cu cậu đang cầm chiếc điện thoại “riêng” để gửi khoe ông anh đang ở xa. Chợt nhớ cảm xúc khi tôi có được chiếc điện thoại đầu tiên, cũng vui sướng lâng lâng dù lý do không giống con bây giờ. Chiếc điện thoại ấy theo tôi đến tận lúc lập gia đình rồi có con nên đó là “vật chứng” lưu giữ vô số kỷ niệm, từ những tin nhắn của người yêu (là ba bọn trẻ bây giờ), hình ảnh của đứa con đầu lòng từ lúc chào đời đến lúc chập chững biết đi. Lần vô tình bị mất chiếc điện thoại ấy, tôi tiếc hùi hụi như tiếc một báu vật khi biết bao hình ảnh, tâm tình gói gọn trong chiếc điện thoại be bé ấy không có cơ hội phục hồi.
Cu con thích thú với chiếc điện thoại cũ - người - mới - ta ấy lắm. Ngoài những lúc không được phép, còn thì mấy bài hát nổi tiếng dành cho tuổi teen đến các clip khám phá của các YouTuber trẻ khiến cu cậu không rời chiếc điện thoại. Kể từ khi trao cho con chiếc điện thoại chẳng khác cánh cửa mở toang ra thế giới mạng bao la hư ảo, vợ chồng tôi kiêm thêm nhiệm vụ bất đắc dĩ của một “người gác cửa” để kiểm soát những thông tin độc hại, vô bổ trước một đứa trẻ chưa có khả năng gạn lọc thật - giả, tốt - xấu kia. Câu chuyện của chị bạn về việc phát hiện lịch sử truy cập trên điện thoại của con chị có đường dẫn đến một trang web đen khiến tôi không dám bỏ mặc con tự do trên thế giới mạng quá nhiều cạm bẫy.
Không như trẻ con bây giờ thậm chí mới cấp 1 đã có iPad hay điện thoại di động riêng, chiếc điện thoại đầu tiên của tôi ngày trước được mua khi đã đi làm vài năm. Nhiều người cho rằng xài điện thoại sớm con sẽ dễ hư, cha mẹ khó kiểm soát các mối quan hệ của con ở ngoài, nhất là khi con gia nhập thế giới ảo trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, sống giữa thời buổi công nghệ, phụ huynh phải tập thích nghi chứ không thể đợi con lớn mới cho tiếp cận với thứ thiết bị đã quá phổ biến này nếu không muốn con tụt hậu. Không thể phủ nhận sự hữu ích của điện thoại khi trẻ cũng cần liên lạc với bố mẹ khi ở ngoài, trẻ cần tìm thông tin trên mạng, lên lịch nhắc những việc cần thiết khi con chưa có khả năng tự nhớ hay sắp xếp mọi việc một cách khoa học. Có điều, cho con xài điện thoại di động đồng nghĩa việc cha mẹ cũng cần đồng hành, giám sát thay vì bỏ mặc con mê mệt với việc nhắn tin, chơi game, kết bạn linh tinh mà lơ là việc tương tác trực tiếp với những người xung quanh. Nếu không, chiếc điện thoại sẽ trở thành con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại.
Bình luận (0)