Dịp cuối tuần tôi ghé nhà thăm thầy. Bên ly trà nóng ôn lại những kỷ niệm thời còn đi học, tôi không những ngạc nhiên về trí nhớ siêu việt của thầy, dù thầy đã về hưu lâu năm vì tuổi già sức yếu, mà còn vì cách mà thầy và cô xưng hô với nhau: “Mình ơi”.
“Mình ơi” pha hộ tôi ấm trà. Thầy ới gọi cô khi thấy tôi ghé nhà. Rồi khi cô bưng khay trà lên, cô ân cần nhìn thầy: “Mình uống thuốc cữ sáng chưa?”. Và cứ thế, xuyên suốt buổi chuyện trò của tôi và thầy, cô cũng góp mặt, và thỉnh thoảng những tiếng gọi trìu mến “mình ơi” cứ như những dòng suối mát lành, tưới tắm những ân cần, tình cảm lên hai mái đầu bạc trắng.
Tôi hỏi thầy về cách xưng hô này, thầy bình thản, thầy nói cô và thầy đã quen gọi nhau như vậy mấy chục năm nay. Cô mỉm cười giải thích tôi rằng, có lẽ cũng chừng ngần ấy năm cô thầy gắn bó cùng “mình ơi”, chưa lần nào cô, thầy giận nhau cho tròn chữ giận… Cứ mỗi lần cả hai “giận” nhau, thì khi nghe người kia “mình ơi” điều gì đó, cơn giận lại tan biến đâu mất.
Nhà tôi ở khu sầm uất gần chợ Gò Vấp (TP.HCM). Mang những dư âm tiếng gọi từ thầy cô mình, tôi chợt cảm thấy buồn vương khi quay về với những điều mình tai nghe mắt thấy ngay nơi mình sống, cũng từ những tiếng gọi. Đôi vợ chồng trẻ có hai người con xinh xắn. Người chồng làm công nhân, người vợ buôn bán gần nhà. Tôi biết cặp vợ chồng ấy vẫn thương nhau, vẫn lo lắng cho nhau. Tuy nhiên, điều làm tôi giật mình nhất là cả hai vẫn vô tư cùng nhau “mày, tao” tiếng gọi. Những câu kiểu như “mày đi làm mấy giờ về vậy S. Hôm nay tao bận. Mày đi đón con đi nha”, hay “mày làm vợ kiểu gì vậy, cơm nước giờ chưa nấu?”… Những ngày đầu về đây sống, tôi sốc toàn tập trước cách xưng hô của đôi vợ chồng trẻ ấy. Nhiều lúc tôi góp ý, họ chỉ cười xòa: “Tụi em quen gọi vậy rồi anh ơi”. Không chỉ cặp vợ chồng trẻ mà tôi biết, vẫn còn đó nhiều gia đình khác xung quanh tôi “mày, tao” thành tật. Vợ chồng xưng hô bình thường đã mày tao, rồi khi cãi nhau, cách gọi “mày, tao” kèm những câu chửi thề như xé toang tình cảm vợ chồng. Bố, mẹ cũng xưng hô với con cái “mày, tao”… ngay cả con cái dù lớn, dù nhỏ cũng sẵn sàng “mày, tao” mọi lúc.
Không phải cứ ai xưng hô “mày, tao” với nhau thì đồng nghĩa ghen ghét nhau. Nhưng lời kêu tiếng gọi vẫn mang trong mình những sắc thái tình cảm, mà hễ ai đặt tình yêu của mình vào nó đều có thể khiến cho đối phương vui vẻ, hạnh phúc hơn. Như cặp vợ chồng trẻ ấy, tôi tin một điều, chỉ cần người chồng, người vợ gọi nửa kia của mình bằng tiếng gọi trìu mến hơn, thay vì “mày, tao”, chắc chắn sẽ có một niềm vui, nỗi gần gũi lan tỏa giữa hai người.
Gọi nhau bằng tên, gọi nhau bằng vợ bằng chồng... hay gọi con cái bằng những sắc thái tình cảm dịu dàng, sẽ luôn tạo ra sức mạnh gắn kết. Chắc chắn rằng những tiếng gọi tình cảm như “em ơi đi làm về chưa?”, “con trai ơi, giúp ba chuyện này”… dưới những mái nhà không bao giờ sến súa như nhiều người lầm nghĩ, mà ngược lại, nó đủ sức khiến đối phương dễ chịu, cảm thấy được yêu thương... và đó chính là tiền đề của hạnh phúc.
Bình luận (0)