Bộ phim Đông Dương của Pháp, sau khi giành giải Oscar năm 1992 - Phim nước ngoài hay nhất và mang lại cho ngôi sao màn bạc hàng đầu của Pháp Catherine Deneuve đề cử diễn viên chính xuất sắc, đã biến Hạ Long thành điểm đến không thể bỏ qua đối với khách Âu và thay đổi hoàn toàn cuộc sống một đại gia đình ở vịnh này.
Người thợ xây xin phiên dịch cho ngôi sao
Đại gia đình này là những Việt kiều Pháp. Người anh cả tên Nguyễn Văn Dạn, sinh năm 1940. Năm 1963, bố mẹ ông đưa cả gia đình từ Pháp về quê - khi đó là TX.Hòn Gai - sinh sống. Hiện tại, họ vẫn sống quần tụ ở ngõ 6, P.Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ sau năm 1972, khi những trận bom Mỹ đánh tan khu nhà cũ của họ.
Năm 1991, qua cô em họ, biết thông tin đoàn làm phim Đông Dương đang tuyển phiên dịch tiếng Pháp trên Hà Nội, ông Dạn - lúc đó đang làm thợ xây - vội bắt xe đò đi thi tuyển. Trong lòng ông không khỏi lo lắng, bởi từ năm 1963 - 1991, ông hầu như không có cơ hội dùng tiếng Pháp.
“Trong phòng thi tuyển, chủ yếu thi vấn đáp, người Pháp hỏi, tôi đều hiểu hết, vì mình sinh ra và lớn lên ở Pháp đến ngoài 20 tuổi mới về nước, nhưng không thể phản ứng lại tức thời do mấy chục năm không đả động gì đến tiếng Pháp. Họ động viên: Tôi thấy tiếng Pháp của anh rất tốt, từ chất giọng tới ngữ pháp, có lẽ lâu không dùng nên mới thế. Cứ yên tâm, chỉ vài tuần là sẽ ổn thôi”, ông Dạn nhớ lại.
Ông trúng tuyển và được ký ngay hợp đồng, với nhiệm vụ: làm phiên dịch cho trợ lý giám đốc, chuyên lo chuyện hậu cần.
Phim Đông Dương được quay ở Phát Diệm (Ninh Bình), chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây cũ), Huế, vịnh Hạ Long và một điểm nữa ở Malaysia, nhưng chỉ có ở vịnh Hạ Long, đoàn làm phim mới dựng phim trường - tại khu vực Vụng Oản (hiện cách cầu Bài Thơ khoảng 5 phút đi xuồng).
Vì lẽ đó, ông Dạn cho biết công việc của vị trợ lý hậu cần khá bận rộn do phải chạy khắp nơi huy động nhân công, mua sắm gỗ, sắt, thép… về để dựng phim trường. Không chỉ phiên dịch, với tư cách là một “thổ dân” địa phương, ông còn tư vấn, giúp vị trợ lý trên triển khai kế hoạch sao cho hiệu quả.
Sau đó, hơn 10 người nhà ông được mời giúp việc cho đoàn phim. “Trực tiếp làm phiên dịch có 5 người, gồm vợ chồng tôi, cô Thâu, chú Sóng, chú Truyền. Họ trả khá cao, một ngày lương có khi bằng cả tuần lương trước đó của mình”, ông Dạn cho biết.
Siêu sao Catherine và căn phòng 208
“Khi phim trường được dựng xong, tôi được mời làm phiên dịch chính cho siêu sao Catherine Deneuve”, bà Hải, vợ ông Dạn, kể. Bà cho biết, càng làm việc lâu với Catherine bà càng cảm thấy siêu sao này không kiêu căng, lạnh lùng như những lời đồn thổi. “Một lần, khi phà Bãi Cháy cập bến, thấy một người phụ nữ đang loay hoay gồng mình đẩy chiếc xe thồ lên, Catherine vội chạy ra và cũng… cong mình cùng người phụ nữ kia đưa chiếc xe lên”, bà Hải nhớ lại.
Catherine rất hòa đồng với mọi người và luôn coi người phiên dịch của mình là bạn. Bà Hải bảo, hợp đồng làm việc có quy định giờ giấc chặt chẽ, nhưng Catherine không yêu cầu bà luôn phải có mặt.
Theo kế hoạch, đoàn làm phim quay ở đâu thì đơn vị trong nước được đoàn làm phim thuê làm dịch vụ hậu cần sẽ tuyển dụng nhân sự tại đó. Tuy nhiên, Catherine yêu cầu giữ lại hai người cho bà: lái xe và phiên dịch Nguyễn Thị Hải, người mà Catherine gọi là “thiên thần hộ mệnh”. Nhờ đó, sau 4 tháng ở Hạ Long, bà Hải còn có thêm một thời gian nữa đi theo siêu sao Catherine khi đoàn quay ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây), Đại nội Huế...
Tại Hạ Long, Catherine được bố trí ở phòng 208, khách sạn Hạ Long 1. Đó là phòng VIP nhất trong khách sạn sang trọng nhất Quảng Ninh thời điểm đó. Trước khi đến ở, Catherine đã đến kiểm tra và yêu cầu trang hoàng lại theo ý tưởng của bà.
Sau khi Catherine rời đi, phòng 208 dù giá cao ngất ngưởng nhưng luôn đắt khách, bởi du khách giàu có luôn mong muốn được một lần ngủ lại trong căn phòng mà Catherine từng ở. Đáng tiếc là hiện tại căn phòng số 208 vẫn còn đó, nhưng chỉ là một căn phòng bình thường.
Thay đổi nhờ Đông Dương
Sau khi phim được công chiếu, lượng khách Mỹ, châu Âu mà đặc biệt là Pháp đến thăm vịnh Hạ Long tăng đột biến. Còn với đại gia đình ông Dạn, bà Hải, ông Sóng, những cơ hội mới mở ra với họ. Trong đó, có thời điểm, họ là đầu mối đón khách Pháp và các nước nói tiếng Pháp khi đến Hạ Long.
Chị Đào Thị Cúc, năm 1991 vừa là nhân viên khách sạn Hạ Long 1, vừa tham gia vai quần chúng trong phim, cho biết sau khi phim ra mắt, hầu hết khách Mỹ và Âu thăm vịnh Hạ Long đều đề nghị cho ghé thăm phim trường Vụng Oản.
Các quán mà đại gia đình ông Dạn mở lúc nào cũng đông khách Pháp bởi ngoài lợi thế nói tiếng Pháp trôi chảy, các thành viên trong gia đình ông còn là những nhân chứng kể lại hậu trường phim Đông Dương một cách hấp dẫn nhất.
Nhờ có “lý lịch” làm phiên dịch cho đoàn làm phim Đông Dương mà sau này một số đoàn làm phim nước ngoài khác định quay trên vịnh Hạ Long cũng đã mời gia đình ông Sóng tham gia.
“Chưa gặp Văn Sóng thì coi như chưa đến Hạ Long”
Cho đến nay, trong đại gia đình ông Dạn, chỉ còn ông Nguyễn Văn Sóng vẫn theo nghề làm du lịch, dù nhà hàng cuối cùng của ông gần bến tàu du lịch Bãi Cháy cũ mới đây buộc phải đóng cửa vì ít khách, do toàn bộ tàu du lịch đã chuyển ra khu du lịch Tuần Châu.
Với thị trường khách Pháp, ông Sóng có một vị thế đặc biệt. Trong cuốn cẩm nang du lịch được xuất bản tại Pháp hằng năm, có một phần giới thiệu về vịnh Hạ Long, trong đó tư vấn du khách Pháp muốn có thông tin đầy đủ về điểm đến này nên gặp Văn Sóng. “Đến Hạ Long mà chưa gặp Văn Sóng thì coi như chưa đến Hạ Long”, cuốn cẩm nang viết, kèm thông tin địa chỉ email, số điện thoại của ông.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Sóng có lẽ là hướng dẫn viên nói tiếng Pháp cao tuổi nhất hoạt động trên vịnh Hạ Long hiện nay. Điều ông thấy tiếc nuối nhất là Hạ Long không giữ được phim trường Đông Dương, để biến nó thành một điểm đến hấp dẫn.
|
Bình luận (0)