Ngày 2.2, tại buổi tọa đàm "Hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em" do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết trẻ em khi tham gia giao thông đang phải đối diện với những nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.
Một là nhóm tự đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, dung tích dưới 50 cc. Nhóm này đối mặt rủi ro rất lớn, do kiến thức còn hạn chế, kỹ năng chưa thuần thục. Trong khi đó, xe máy điện có tốc độ tối đa lên tới trên 40 km/giờ, lưu thông độc lập trên dòng giao thông hỗn hợp. Trước đây, Trường đại học Việt Đức nghiên cứu cho thấy, trên 90% tai nạn ở trẻ em rơi vào nhóm tự đi.
Nhóm thứ hai là được người lớn chở đi, nhưng nếu không đủ trang thiết bị hoặc quy tắc giao thông thì nhóm này cũng có rủi ro. Cơ quan quản lý cần quan tâm tới vấn đề này.
Đặc biệt, gia đình phải phối hợp cùng nhà trường giám sát hành trình đến trường của con chứ không thể giao xe cho con khi đủ 16 tuổi.
Đáng chú ý, về nội dung trẻ em ngồi trên xe máy, ông Minh cho biết, nhiều quốc gia cấm trẻ em dưới 12 tuổi ngồi trên xe máy.
"Song, ở Việt Nam thì điều này là không thể. Do đó, cần có thiết kế về mũ bảo hiểm, phương tiện, như đai trên xe máy cho an toàn. Hiện quy chuẩn về mũ bảo hiểm cũng chưa có thiết kế riêng cho trẻ em. Ở Indonesia họ quy định xe máy chạy không quá 20 km/giờ khi chở trẻ em. Nếu chúng ta có quy tắc cụ thể thì sẽ tốt hơn", ông Minh đề xuất.
Điều khiển xe cơ giới phải có bằng lái
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, trẻ ở lứa tuổi 16 - 18 tuổi sử dụng xe gắn máy dưới 50 cc rất nhiều, nhưng các em chưa nắm rõ quy tắc an toàn giao thông, pháp luật về giao thông.
Do đó, bà Thoa đề nghị dự thảo luật có quy định tất cả người tham gia giao thông sử dụng xe cơ giới đều phải có giấy phép lái xe, nắm được quy định pháp luật về giao thông, quy tắc bảo đảm an toàn giao thông.
PGS-TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch hội đồng Trường đại học Công nghệ GTVT, cho rằng bên cạnh trẻ em hạn chế kiến thức, kỹ năng, thì vẫn có một bộ phận người lớn khi chở trẻ em chưa thực sự tuân thủ quy định.
Việc hiểu biết của trẻ em về ATGT chưa nhiều nên chưa tuân thủ đúng, còn vi phạm giao thông, như đi dàn hàng ngang, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ... Cạnh đó, một bộ phận người lớn bất cẩn, như cho trẻ em đứng phía trước yên xe, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Đặc biệt, hạ tầng bất cập khi chưa có đường dành riêng cho xe đạp.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Phạm Việt Cường, Trường đại học Y tế công cộng, cũng cho biết, ở nhiều nước cấm cho trẻ dưới 3 tuổi ngồi trên xe máy. Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhiều cha mẹ dùng đai hoặc ghế, nhưng đây chỉ là hành vi tự phát chứ chưa có quy định. Ấn Độ quy định trẻ dưới 4 tuổi buộc phải sử dụng đai an toàn hoặc người chở xe máy không được đi quá bao nhiêu km/giờ.
"Hiện số lượng xe máy trên toàn quốc là hơn 60 triệu chiếc, 10 - 20 năm nữa có thể vẫn còn tỷ lệ lớn. Do đó, cần phải bổ sung quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em khi đi xe máy", ông Cường nói.
Bình luận (0)