'Gia Định tam hùng' và những bi kịch của 3 dũng tướng dưới thời vua Gia Long

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
11/05/2021 18:00 GMT+7

Nếu như Gia Định tam gia gắn với 3 tên tuổi chứng kiến những chiến công của cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn, thì Gia Định tam hùng lại là danh hiệu dành cho 3 dũng tướng mà cái chết của họ đầy bi kịch.

Vùng đất Gia Định xưa từng có “tam gia” cùng là học trò của cụ Võ Trường Toản là 3 tên tuổi: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh làm rạng rỡ đất phương nam, thì Gia Định tam hùng lại là danh hiệu người xưa dùng để nói về 3 nhân vật khác, gồm: Võ Tánh, Châu Văn Tiếp và Đỗ Thanh Nhơn. Cả ba đều là dũng tướng của Nguyễn Ánh (vua Gia Long) và những câu chuyện về họ đã được phản ánh khá thú vị qua tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức ấn hành).
Trước tiên, trong Gia Định tam hùng xin được nói về Đỗ Thanh Nhơn. Ông là một người có công rất lớn trong những ngày đầu của cuộc nội chiến, giúp chúa Nguyễn nhiều lần thắng lợi trước sức tấn công dũng mãnh của quân Tây Sơn.

Chân dung phổ biến được cho là vua Gia Long (ký họa theo mô tả của Michel Đức Chaigneau)

Ảnh: Wikipedia

Tác giả Lê Nguyễn cho biết: "Đỗ Thanh Nhơn xuất thân từ huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, sau về sống ở trấn Phiên An, tức Gia Định sau này. Không rõ ông sinh năm nào, khi chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần còn ở Phú Xuân, ông chỉ mới giữ chức Đội trưởng Hữu thuyền, sau theo chúa vào Nam. Từ Gia Định, ông đến đất Ba Giồng thuộc Định Tường, chiêu binh mãi mã, được 3.000 quân, lấy nơi đây làm căn cứ chiến đấu, tự xưng là Đông Sơn Thượng tướng quân".
Rồi từ căn cứ Ba Giồng ấy, Đỗ Thanh Nhơn đã ba lần mang quân tấn công, đẩy lui được quân của Nguyễn Lữ thuộc nhà Tây Sơn, buộc Lữ phải rút về Qui Nhơn (1776). Với chiến công này của mình, ông được chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần phong chức Chưởng dinh Ngoại hữu, tước Phương Quận công.
Các tư liệu của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn kể rõ thêm: “Năm 1777, cả Định vương, khi ấy là Thái Thượng vương, lẫn Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương (từng là con rể Nguyễn Nhạc) đều chết dưới tay nhà Tây Sơn, một trong những người còn lại thuộc dòng họ các chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh (hay Nguyễn Ánh), lúc ấy mới 15 tuổi, mấy lần suýt rơi vào tay nhà Tây Sơn”.

Sau khi tuẫn tiết vào năm 1801, Võ Tánh được chôn cất trong nội cung thành Hoàng Đế, nay thuộc An Nhơn, Bình Định

Ảnh: T.L của Hà Đình Nguyên
Cũng theo tiết lộ của tác giả Lê Nguyễn viết trong cuốn sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn mới xuất bản: “Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, phong Đỗ Thanh Nhơn làm Ngoại hữu Phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công, cả chức và tước đều thuộc vào bậc nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên, bộ Đại Nam thực lục chép rằng cũng từ sự ưu đãi này, "Đỗ Thanh Nhơn sinh lòng kiêu ngạo, lạm dụng quyền sinh sát trong tay, kinh phí trong cung thì giảm bớt đi, không chịu cung hiến; phàm người bè cánh gần gũi thì cho theo họ mình; người có tội thì đem nướng than hừng, hình phạt rất thảm khốc, ai cũng nghiến răng. Vua cho là người có công, vẫn ưu đãi, dung thứ, thường đến thăm tận nhà, cũng không giữ lễ. Bè đảng lại phụ họa thêm, lấn át không kiêng nể gì, toan mưu làm phản. Chưởng cơ Tống Phước Thiêm nói riêng với vua: xin giết giặc ở bên cạnh vua".
Vì vậy mà sau thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng, chúa Nguyễn Ánh đã cho triệu Đỗ Thanh Nhơn vào cung vua bàn việc rồi cho thủ hạ giết.
“Cái chết của Đỗ Thanh Nhơn là một tổn thất lớn cho lực lượng của chúa Nguyễn. Tại Qui Nhơn, được tin này, Nguyễn Nhạc đã không giấu nỗi vui mừng. Nhiều thuộc hạ của Thanh Nhơn trốn về Ba Giồng, không tuân phục chúa Nguyễn nữa”, sách đã dẫn viết.
Trong Gia Định tam hùng thì ngoài Đỗ Thanh Nhơn còn có Võ Tánh và Châu Văn Tiếp cũng có cuộc đời dữ dội không kém, xin được kể tiếp ở phần sau. (Còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.