'Gia Định tam gia' là ai và có công trạng gì với vương triều Nguyễn?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/04/2021 15:00 GMT+7

Từng được mệnh danh Gia Định tam gia - hàm ý là những người con xuất chúng đất Gia Định, ba ông: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định đã góp phần trong việc xây dựng vương triều Nguyễn xưa.

Tiết lộ về Gia Định tam gia, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho biết trong cuốn sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) vừa ấn hành, rằng: “Giữa thế kỷ 18, nhiều quan dân của nhà Minh vì bất phục triều Mãn Thanh mới lên nắm quyền, đã bỏ nước ra đi và Đại Việt là một trong những miền đất họ chọn xin tá túc. Trong số những người này có Trịnh Hội, nguyên quán huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc, theo Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài), vào khai khẩn đất Trấn Biên (Biên Hòa)”.

Tượng Trịnh Hoài Đức

Ảnh: T.L


Từ đó mà có nhân vật Trịnh Hoài Đức. Ông ra đời vào năm 1765 và là cháu ba đời Trịnh Hội, con trai Trịnh Khánh, vốn là người hiểu nhiều biết rộng, song mất sớm, khi ông mới 10 tuổi (1775). Bấy giờ, nhà Tây Sơn đã nổi dậy được bốn năm, chinh chiến liên miên nên mẹ ông dời nhà về Phiên trấn (Gia Định), cho con theo học cụ Võ Trường Toản. Đấy là thời điểm quan trọng không chỉ của Trịnh Hoài Đức, mà còn của Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh và hàng trăm học trò đất Gia Định, giúp hun đúc cho mỗi người tinh thần yêu nước, một kiến thức rộng để giúp nước, giúp đời sau này.

Một cuộc đời tài hoa, thanh bạch không nhà ở

“Cơ hội đã đến sau 13 năm được truyền thụ chữ thánh hiền. Năm 1788, Nguyễn Ánh từ đất Xiêm quay về nước, được người dân ủng hộ, theo về và đánh bật lực lượng Tây Sơn ra khỏi đất Gia Định. Trịnh Hoài Đức đã đầu quân dưới trướng Nguyễn Ánh trong dịp này, được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo. Tháng ba Â.L năm 1793, chúa Nguyễn phong con trai lớn là Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh làm Đông cung Thái tử, Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được cử làm Đông cung Thị giảng, theo Hoàng thái tử Cảnh trấn thủ thành Diên Khánh, sau đó được thăng Hữu Tham tri bộ Hộ (chức Tham tri bộ Hộ tương đương với Thứ trưởng Bộ Tài chánh ngày nay”, tác giả Lê Nguyễn viết trong cuốn Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn.
Năm 1802, Trịnh Hoài Đức được thăng Thượng thư bộ Hộ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, cùng hai Phó sứ là Ngô Nhơn Tịnh và Hoàng Ngọc Uẩn mang theo quốc thư, phẩm vật, sách ấn của nhà Tây Sơn và đặc biệt hơn nữa là giải theo một số kẻ cầm đầu bọn cướp biển Trung Hoa từng tham gia trong quân đội Tây Sơn như Đông Hải vương Mạc Quang Phù, Thống lãnh Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài, giao cho Tổng đốc Quảng Đông Giác La Cát Khánh. Hai năm sau (1804), sứ nhà Thanh là Tề Bố Sâm được cử sang nước ta làm lễ tuyên phong vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức được cử làm Thông dịch sứ.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức

ẢNH: NXB

Cũng theo sách đã dẫn của tác giả Lê Nguyễn: “Năm 1808, một tổ chức hành chánh mới được thành lập tại khu vực phía Nam là Gia Định Thành, bao gồm các trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Vua Gia Long đã cử Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn,Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn. Chính trong thời gian này, ông để tâm nghiên cứu về lịch sử, địa lý, các mặt đời sống của 5 trấn Gia Định Thành, soạn thảo bộ Gia Định thông chí, gồm ba quyển, dâng lên vua Minh Mạng năm 1820. Ở mỗi trấn, ông khảo kỹ từng ngọn núi, từng con sông, từng nếp ăn, nếp ở của con người ở mỗi địa phương. Cho đến nay, Gia Định (Thành) thông chí của Trịnh Hoài Đức vẫn còn là một tác phẩm cần thiết cho những ai cần nghiên cứu các tỉnh miền Nam vào thời kỳ đầu thế kỷ 19”.

Khu mộ cụ Ngô Nhơn Tịnh

Ảnh: T.L

Được biết, năm 1821 thì dù Trịnh Hoài Đức đã được thăng Hiệp biện Đại học sĩ, hàm tòng nhất phẩm, giữ chức Binh bộ Thượng thư, nhưng theo sách Đại Nam liệt truyện, ông vẫn không có nhà riêng để ở (gia đình ông còn sống ở Gia Định). Năm 1822, vua Minh Mạng mới cấp cho ông 3 ngàn quan tiền và gỗ, gạch, ngói, “cho làm nhà để làm chỗ nghỉ ngơi, tắm gội". Đến năm sau 1823, cảm thấy đã già yếu, Trịnh Hoài Đức dâng biểu xin nghỉ việc và đi theo đường biển trở về Gia Định cho đúng với câu “cáo chết quay đầu về núi”, song nhà vua còn cần ông nên giữ lại, ban cho sâm quế để điều trị.
Trịnh Hoài Đức mất vào tháng hai Â.L năm 1825 (hưởng thọ 61 tuổi). Theo sách Đại Nam thực lục, là một trong số Gia Định tam gia nên vua Minh Mạng khi ấy hết sức thương tiếc ông đã truy thăng Thiếu bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ, hàm chánh nhất phẩm, truyền nghỉ chầu ba ngày, ngày đưa đám về quê, đồng thời cho 400 quân thần sách đưa đến bến đò sông Hương một cách trang trọng... (còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.