Xa lộ Biên Hòa được Mỹ xây làm đường băng nếu Tân Sơn Nhất ‘gặp chuyện’?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
13/03/2021 10:30 GMT+7

Xa lộ Biên Hòa xưa (nay là xa lộ Hà Nội) thẳng tắp cho những làn xe vào Nam, ra Bắc hoặc từ TP.HCM đi miền Đông Nam Bộ, nhưng ít ai biết, đằng sau huyết mạch lưu thông này có nhiều câu chuyện khá bí ẩn.

Xa lộ Biên Hòa lúc mới xây dựng có chiều dài 30 km chạy dài từ Sài Gòn lên Biên Hòa, vì thế mới có tên gọi là xa lộ Biên Hòa. Công trình nổi tiếng tới giờ được khởi công xây dựng chính thức từ năm 1959 và hoàn thành vào năm 1961. Ngày 10.10.1984, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Hà Nội, xa lộ Biên Hòa được đổi tên thành xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều người vẫn nhớ đến cái tên cũ xa lộ Biên Hòa.
Câu chuyện về sự ra đời của Xa lộ Biên Hòa (xa lộ Hà Nội) từng gây ra nhiều bàn tán trong dân chúng vào thời đó, đã được nhà giáo - họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười) kể khá chi tiết trong sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 (NXB Mỹ thuật ấn hành) rất thú vị.

"Đêm nay xa lộ Biên Hòa /Dạy em tập lái vespa một mình…" - hai câu thơ của một thi sĩ lãng mạn viết về xa lộ Biên Hòa thời đó

Xa lộ Biên Hòa được bắt đầu từ ngã tư Hàng Sanh (hay Hàng Xanh hiện nay)

Ảnh: T.L

Đầu tiên là do… chất lượng của công trình quá tốt nên dân chúng tò mò. Sách đã dẫn cho biết: "Xa lộ Biên Hòa làm rất phẳng phiu. Từ trước đến khi khánh thành, ở miền Nam chưa có con đường nào rộng và phẳng phiu đến thế. Những người đầu tiên chạy xe trên xa lộ Biên Hòa về kể lại xe chạy êm như ru, khiến cho người nghe càng nao nức muốn thử đi cho biết. Lý do là xa lộ này làm theo kỹ thuật mới, khác với cách làm đường kiểu cũ thời Pháp là đổ đá dăm/răm lên mặt đường rồi xe chở nhựa đường đổ xuống từng chỗ, sau đó cho xe hủ lô cán cho đều ra. Vì đổ nhựa từng chỗ một nên mặt đường không thể nào bằng phẳng bằng mặt đường đổ bằng máy có chiều ngang rộng và đổ nhựa cùng lúc”….
Kiến trúc và phối cảnh hai bên đường cũng là câu chuyện khiến cho con đường “nổi như cồn” thời điểm đó khi người dân miền Nam lần đầu chứng kiến đèn cao áp thủy ngân được gắn hoành tráng ở xa lộ Biên Hòa. “Ban đêm chạy xe đèn cao áp thủy ngân chiếu sáng trưng nhìn rõ con đường chứ không tù mù như những ngọn đèn vàng trong thành phố Sài Gòn gắn từ thời Pháp. Lại thêm không có ai bật đèn mà cứ chiều tối chạng vạng là đèn bật lên. Có người hiểu biết giải thích rằng, đó là vì các ngọn đèn có gắn bộ cảm ứng với ánh sáng. Khi ánh sáng xuống thấp tới một mức nào đó thì bộ cảm ứng ra lệnh cho đèn bật lên (?). Khi trời bắt đầu sáng thì đèn tự động tắt đi”, ông Huỳnh Văn Mười kể lại. Thực sự với thời bây giờ thì điều này bình thường nhưng ở thời điểm khi ấy thì còn lạ lẫm với dân chúng.

Một số tem bưu chính và bì thư phát hành nhân dịp khánh thành xa lộ Biên Hòa

Ảnh: T.L

Xa lộ Biên Hòa còn được ghi trên các ấn phẩm bưu chính là xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa

Còn một lý do khiến xa lộ Biên Hòa quá nổi tiếng là nhờ xa lộ có cây cầu thật dài. Sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 tiết lộ thêm, rằng: “Chiều dài của cầu gần trên 986 m. Chiếc cầu này được làm với kỹ thuật mới nên cũng khác hẳn với những cây cầu bằng sắt, lót ván của thời đó mà mỗi khi xe đi qua phải chạy chậm lại vì cầu hẹp và kêu lọc cọc. Với chiếc cầu mới, mặt cầu đổ bê tông như mặt xa lộ nên xe chạy không phải lo giảm tốc độ nữa. Trên mặt cầu cách quãng lại có khoảng nối với đầu nối bằng sắt để khi khí hậu thay đổi thì khoảng bê tông có điều kiện giãn nở để không làm nứt cầu…”.

Nhà máy nước nằm cạnh xa lộ Biên Hòa xưa

Ảnh: T.L

Vì con đường quá rộng lớn, thẳng tắp, lại chạy qua khu vực hai bên toàn ruộng lúa không có nhiều cư dân sinh sống, chỉ đến Biên Hòa rồi đột ngột dừng lại nên dư luận thắc mắc, tha hồ bàn tán rồi cũng tự dân chúng khi đó suy đoán là người Mỹ làm xa lộ Biên Hòa phẳng phiu như thế chắc để cho phi cơ đáp xuống, phòng khi sân bay Tân Sơn Nhất bị phá hủy.
Vậy có phải Mỹ thực sự muốn làm xa lộ Biên Hòa để phục vụ cho mục đích quân sự và có ý đồ chiếm đóng lâu dài tại miền Nam? Thực hư câu chuyện này ra sao?  (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.