Chiều 13.5, luật sư Trần Hồng Phong cùng gia đình Hồ Duy Hải đã gặp một số PV để cung cấp một số thông tin được cho là mới về vụ án Hồ Duy Hải.
Trước đó, ngày 8.5, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại; giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải - bị kết án về hành vi giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) vào đêm 13.1.2008.
|
Trong chiều 13.5, luật sư Trần Hồng Phong cho biết, luật sư cùng gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã ký đơn trình bày và giao nộp chứng cứ ngoại phạm mới của Hồ Duy Hải, gửi đến Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao.
Theo luật sư Trần Hồng Phong, sau phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, từ một số thông tin và hình ảnh vụ án mạng bất ngờ xuất hiện, ông đã rà soát lại hồ sơ vụ án và đã phát hiện ra thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải.
"Đó là thông qua cơ chế hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, cho thấy hung thủ sát hại hai nữ nhân viên chắc chắn phải là người thuận tay trái. Trong khi đó, tử tù Hồ Duy Hải là người thuận tay phải", luật sư Phong nói.
Hung thủ thuận tay trái; Hồ Duy Hải thuận tay phải?
Cụ thể, luật sư Trần Hồng Phong cho hay, sau khi vụ án xảy ra, ngày 14.1.2008, CQĐT đã cho khám nghiệm tử thi và giám định pháp y tử thi thể hiện 2 nạn nhân. Qua đó, kết quả cho thấy hai nạn nhân đều bị cắt rất sâu ở vùng cổ. Đường cắt của nạn nhân H. là từ trái sang phải; nạn nhân V. có hướng vết cắt từ phải sang trái.
Hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt và sau đó bị đưa ra truy tố, xét xử sau khi bị xác định chính Hải là hung thủ duy nhất, đã dùng tay phải cầm dao cắt cổ hai nạn nhân từ phía trước.
Tuy nhiên, theo luật sư Phong, khi xem xét hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, về mặt khoa học pháp y hoàn toàn xác định được hung thủ thuận tay trái.
Đối với nạn nhân H., khi bản giám định pháp y xác định trên cổ nạn nhân H. có vết cắt hướng từ trái sang phải, như vậy, nếu nếu hung thủ ngồi trên người nạn nhân, hướng phía trước và đối diện (giống tư thế của Hồ Duy Hải khi thực nghiệm điều tra và khai) cắt cổ nạn nhân, và có hướng cắt như từ trái sang phải thì chắc chắn hung thủ sẽ phải là người thuận tay trái.
Trong khi, Hải là người thuận tay phải và theo thực nghiệm vụ án, Hải “tay trái cầm tóc nạn nhân, tay phải cầm dao lồng phía dưới tay trái cắt đi cắt lại 2 cái vào cùng cổ của H. làm đứt cổ họng…”, thì không thể gây ra vết cắt có hướng từ trái qua phải trên cổ nạn nhân H.
Vì Hồ Duy Hải là người thuận tay phải, vì vậy, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng đây chính là tình tiết ngoại phạm mới của Hồ Duy Hải.
Đối với nạn nhân V., khi kết luận pháp y xác định có vết cắt từ phải sang trái, theo luật sư Phong, nếu hung thủ là người thuận tay trái thì cơ chế hình thành vết cắt sẽ là: hung thủ đứng phía sau nạn nhân.
Ngoài ra, luật sư Trần Hồng Phong nói, một bức ảnh hiện trường vụ án (chỉ mới xuất hiện trong 4 - 5 ngày nay) cho thấy tại vị trí nằm của nạn nhận H., bên cạnh có tấm thớt dính đầy máu (tấm thớm này không được thu giữ - PV), sợi mì tôm được nấu chín rớt vãi xuống đất, đối chiếu với tình tiết trong hồ sơ “thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn” cho thấy đêm xảy ra án mạng có thể có biểu hiện ăn uống vào giờ khuya; hung thủ gần như chắc chắn là người quen biết với 1 trong 2 nạn nhân.
Trên cơ sở lập luận khoa học pháp lý, luật sư Phong đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, kiểm tra lại tình tiết ngoại phạm về vết dao cắt trên cổ hai nạn nhân cho tử tù Hồ Duy Hải, tránh làm chết oan người vô tội; đồng thời, tránh bỏ lọt tội phạm.
Tối 13.1.2008, hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Đến ngày 21.3.2008, CQĐT Công an tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam Hồ Duy Hải.
Ngày 1.12.2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản. Ngày 28.4.2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Tuy nhiên, ngày 24.5.2011, Chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Sau đó, ngày 24.10.2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 17.5.2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Bất ngờ, ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không. Cùng ngày 4.12.2014, Hội đồng thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Ngày 22.11.2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao ký ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị HĐTP TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình, để điều tra lại.
Ngày 8.5, HĐTP TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
|
Bình luận (0)