Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ngày 8.5, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại; giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải - bị kết án về hành vi giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) vào đêm 13.1.2008.
Quan điểm của HĐTP cho rằng "kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao là không đúng pháp luật" được dư luận quan tâm.
Cụ thể, theo HĐTP TAND tối cao, đối với trường hợp Hồ Duy Hải, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm vào năm 2011. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước có Quyết định số 639 ngày 17.5.2012 bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Trong khi quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành, nhưng Viện trưởng Viện KSND tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với yêu cầu của Chủ tịch nước là đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Do đó, HĐTP cho rằng quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao là không đúng quy định pháp luật khi quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17.5.2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực.
Kháng nghị theo hướng có lợi được tiến hành bất cứ lúc nào
Vậy kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Viện trưởng Viện KSND tối cao có trái quy định pháp luật hay không?
ĐBQH, luật sư Trương Trọng Nghĩa khẳng định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao không trái quy định pháp luật.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đơn xin ân giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình, là hình phạt nặng nhất, kết thúc cuộc đời của họ. Quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị kết án tử hình có thể xin hoặc không xin ân giảm. Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án. Nó khác với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND tối cao hay Viện trưởng Viện KSND tối cao. Chẳng hạn, khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm thì không có nghĩa là bản án tử hình là sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt, cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương.
Pháp luật cũng không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này (nếu có). Do vậy, khoản 2, Điều 379 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nêu rõ: “Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.
Vì vậy, cũng theo ông Trương Trọng Nghĩa, giả sử kể cả trường hợp muốn cho rằng quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, thì kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao theo hướng có lợi cho Hồ Duy Hải vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, theo ông Trương Trọng Nghĩa, nếu cho rằng kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao trái pháp luật, thì trong phần thủ tục, HĐTP phải giải quyết vấn đề này trước và ra quyết định không chấp nhận kháng nghị; đồng thời không giải quyết các nội dung trong kháng nghị giám đốc thẩm mà Viện trưởng Viện KSND tối cao đã nêu.
Sau phán quyết của HĐTP TAND tối cao, mẹ tử tù Hồ Duy Hải đã có đơn kêu cứu gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị các cơ quan xem xét lại toàn bộ quyết định của phiên tòa giám đốc thẩm.
|
Bình luận (0)