Giá gạo sẽ tăng vọt sau lũ lụt ở Thái Lan?

01/11/2011 14:22 GMT+7

Một phần tư sản lượng gạo của Thái Lan, nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, có thể đã bị “chìm” trong nước lũ. Giá 1 tấn gạo của Thái Lan có thể sẽ tăng hơn 34% sau lũ và phần nào tác động đến giá lương thực thế giới.

Giá gạo Thái Lan đang tiếp tục đà tăng. Từ mùa hè vừa qua và khi cơn đại hồng thủy ập xuống Thái Lan - nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, giá 1 tấn gạo trắng của Thái Lan từ 519 USD đã tăng lên 622 USD trong bốn tháng. Trên thị trường, các nhà đầu tư và xuất khẩu gạo ước tính giá gạo sẽ tăng lên đến 859 USD/tấn sau khi nước lũ rút đi.


Người dân quận Don Muang, Bangkok xếp hàng chờ nhận cứu trợ - Ảnh: T.Thắng 

Giá gạo tăng 34%

Việt Nam giúp Thái Lan khắc phục lũ lụt

Chiều 31-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao tấm séc trị giá 100.000 USD cho ông Anuson Chinvano - đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội - để giúp người dân Thái Lan khắc phục hậu quả đợt ngập lụt lớn nhất trong vòng 50 năm qua.

H.G.

Thái Lan, nước xuất khẩu 30% lượng gạo thế giới, đã bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt nên khó có thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu như mọi năm. Theo ước tính ban đầu của chính phủ, 1,6 triệu ha lúa đã bị chìm trong nước lũ. Gần 1/4 sản lượng đã bị mất trắng dẫn đến việc Thái Lan chỉ có khả năng sản xuất 19 triệu tấn thay vì 25 triệu tấn cho đến nay. “6 triệu tấn đã bị mất chỉ là ước tính ban đầu. Chúng tôi sẽ phải đánh giá lại con số này sau khi lũ rút đi” - ông Apichart Jongsakul, lãnh đạo Ủy ban Nông nghiệp của Thái Lan, nói.

Thái Lan dựa trên vụ lúa thứ hai trong năm để bù đắp sản lượng thiếu hụt. Nhưng nay lũ lụt lại đe dọa cả khả năng này. Lũ lụt đã phá hủy các vựa giống dự trữ của nông dân. “Điều này có nghĩa là thu hoạch sẽ giảm” - ông Apichart nói. Cho đến nay chưa có con số dự báo nào về mức thiệt hại của vụ mùa thứ hai này. “Dù chưa có ước tính chính xác về thiệt hại mùa màng, nhưng vụ lúa chính đang ở giai đoạn phát triển quan trọng của Thái Lan có thể bị ảnh hưởng nặng nhất” - Tổ chức Lương nông (FAO) của Liên Hiệp Quốc mới đây cho biết. FAO cảnh báo thiệt hại có thể tiếp tục tăng khi Thái Lan cho các con đập xả lũ.

Thu hoạch giảm cộng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân bằng việc thu mua gạo với giá cao để thực hiện lời cam kết của Thủ tướng Yingluck Shinawatra càng khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao. Chương trình hỗ trợ nông dân này (thu mua của nông dân với giá 500 USD/tấn) tự nó đã có thể đẩy giá xuất khẩu tăng đến 20%.

Chính sách can thiệp cộng với thiệt hại do lũ khiến Reuters nhận định giá gạo trắng 100% loại B của Thái Lan có thể tăng đến 34%, lên 850 USD/tấn trong thời gian tới. Cách đây một tuần, giá gạo Thái Lan đã rục rịch tăng với giá gạo giao tháng 1-2012 tăng thêm 0,5%, còn gạo trắng 100% loại B - gạo chuẩn cho khu vực châu Á - tăng thêm 1% lên mức 625 USD/tấn. “Chính phủ rõ ràng sẽ phải tiếp tục thúc đẩy chương trình thu mua mới để hỗ trợ những nông dân bị ảnh hưởng bởi lụt” - chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Korbsook Iamsuri nói.

Bangkok Post ngày 31-10 dẫn lời Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết tình hình đã được kiểm soát và nước lũ sẽ trở nên ổn định trong vài ngày tới. Bộ trưởng năng lượng Pichai Naripthapan cho biết đã thuê nhiều chuyên gia nước ngoài để áp dụng một số biện pháp quản lý nước lũ từng được thực hiện hiệu quả ở Trung Quốc, Mỹ và Hà Lan.

Tuy nhiên cùng ngày, như Bangkok Post đưa tin, nhiều người dân tức giận đã phá một con đập đất ở tỉnh Don Muang để giải phóng nước lũ.

Khả năng giá gạo tăng càng được củng cố khi thu hoạch của các nước cũng bị đe dọa bởi mưa lũ ở nhiều nước Đông Nam Á. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Campuchia là nước gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất sau Thái Lan với 12% mùa màng bị tàn phá, tiếp đến là Lào 7,5% và Philippines 6%. Việt Nam chỉ thiệt hại khoảng 0,4% diện tích trồng lúa. Ngoài ra, mặt bằng giá gạo chung cũng đang tăng lên. Giá gạo trong năm của Ấn Độ tăng thêm 11,4% tính đến tháng 10-2011, trong khi giá lương thực của Trung Quốc tháng 9-2011 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ấn Độ, nguồn cung cấp thay thế

Bộ trưởng thương mại Gita Wirjawan của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cuối tuần trước đã bày tỏ lo ngại Thái Lan có thể sẽ không thực hiện được các thỏa thuận xuất khẩu gạo cho nước này. “Chúng tôi có thông tin rằng họ (Thái Lan) sẽ không thể chuyển gạo cho Indonesia. Vì thế chúng tôi phải tìm giải pháp, lựa chọn vài đối tác thay thế” - ông Wirjawan nói. Một số lựa chọn của Jarkata là Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và Campuchia.

India Times ngày 28-10 dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Lương thực nước này tiết lộ Jakarta đã đề xuất mua 500.000 tấn gạo không basmati của New Delhi để ổn định kho dự trữ và kiềm chế lạm phát ngày một tăng cao. Ấn Độ, nước có giá gạo tốt hơn một số nước Đông Nam Á, hồi tháng 9-2011 đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này được áp dụng kể từ tháng 4-2008 và cho phép bán ra khoảng 2 triệu tấn gạo không basmati với mức giá được các nhà nhập khẩu tiết lộ chỉ 460-470 USD/tấn. Ấn Độ là nước trồng lúa lớn thứ hai thế giới dự kiến thu hoạch đến 102 triệu tấn trong năm nay.

Trong khi đó, Thái Lan đang hết sức lo lắng kế hoạch phục hồi trồng trọt sau lũ với dự đoán sẽ thiếu hụt giống và các kho dự trữ gạo của nông dân bị nước quét sạch. “Điều này có nghĩa thu hoạch của vụ mùa phụ năm sau cũng sẽ sụt giảm” - ông Apichart nhận định.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.