Giá gạo Thái Lan chạm mốc 600 USD, gạo Việt có hụt hơi?

Chí Nhân
Chí Nhân
27/07/2023 18:51 GMT+7

Đúng một tuần sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo trên thị trường châu Á tăng mạnh. Đặc biệt tại Thái Lan giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm đã chạm mốc 600 USD/tấn, cao hơn gạo Việt Nam khoảng 40 USD.

Dù lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã được đưa ra cách đây một tuần nhưng giá gạo chỉ tăng trong 3 ngày gần đây. Trong các nguồn cung chính, gạo Thái Lan có mức điều chỉnh tăng mạnh nhất. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) chính thức công bố giá mới là 572 USD/tấn với gạo 5%, tăng 38 USD so với thời điểm trước lệnh cấm. Tuy nhiên, nhiều nguồn khác cho biết, 3 ngày gần đây, giá gạo Thái Lan tăng đều từ 15 - 20 USD/tấn mỗi ngày, đưa tổng mức tăng lên tới 50 USD/tấn và hiện đã đạt mức 603 USD/tấn. Đây là cột mốc lịch sử đã được dự báo ngay sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được ban bố.

Giá gạo Thái Lan chạm mốc 600 USD, gạo Việt có hụt hơi? - Ảnh 1.

Thị trường lúa gạo châu Á lên cơn sốt giá vì lệnh cấm của Ấn Độ

NGỌC DƯƠNG

Bên cạnh gạo 5% tăng mạnh, các loại gạo 25% tấm cũng như các loại gạo thơm chất lượng cao cũng tăng bình quân khoảng 30 USD/tấn.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết so với tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng tăng 25 USD lên mức 558 USD/tấn. Thấp hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan khoảng 45 USD/tấn.

Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), đơn vị xuất bản trang tin SSRicenews.com chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, cho biết: "Giá gạo 5% tấm của Thái đang dao động 585 - 590 USD, còn Việt Nam là 560 - 565 USD/tấn. Tuy nhiên, đây là giá mà các nhà xuất khẩu chào. Việc thị trường, cụ thể là các nhà nhập khẩu, có chấp nhận hay không thì vẫn phải chờ thêm. Hiện các nước nhập khẩu gạo đang chuyển giao dịch theo kênh G2G (cấp chính phủ với chính phủ) mà Ấn Độ để ngỏ".

Khi giá gạo bị đẩy lên quá cao, tại Việt Nam đã xảy ra tình trạng các nhà cung cấp gạo "lật kèo" - hủy đơn không giao hàng cho các đơn vị xuất khẩu. Bà Hương cho biết: Không chỉ Việt Nam mà cả Thái Lan đều chung tình trạng này. Các nhà xuất khẩu bị kẹp ở giữa cung ứng nội địa và khách hàng chờ nhận hàng. Các cơ quan chính phủ cần có biện pháp điều tiết thị trường, tránh việc đầu cơ gây hỗn loạn thêm cũng như ảnh hưởng chung đến uy tín cả ngành lúa gạo quốc gia. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.