Giá hàng loạt nông sản tăng kỷ lục

Chí Nhân
Chí Nhân
30/03/2024 07:04 GMT+7

Giá cà phê, tiêu, sầu riêng, ca cao... tăng liên tục, cứ lập kỷ lục rồi lại phá kỷ lục, giúp kim ngạch xuất khẩu nông sản quý 1 bứt tốc. Đặc biệt, việc thị trường khổng lồ Trung Quốc chuẩn bị mở cửa cho sầu riêng đông lạnh và dừa non hứa hẹn mang lại những cú bứt tốc ngoạn mục cho 2 mặt hàng này trong năm nay.

Cà phê, sầu riêng, gạo… khởi đầu như mơ

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết cà phê là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất. Tổng lượng xuất khẩu gần 800.000 tấn, tương đương kim ngạch 1,9 tỉ USD, tăng 44% về lượng và 54% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số xuất khẩu kỷ lục của ngành cà phê VN.

Giá cà phê liên tục phá kỷ lục và được dự đoán có thể sẽ duy trì ở mức caoảnh: Hoàng Nguyễn

Giá cà phê liên tục phá kỷ lục và được dự đoán có thể sẽ duy trì ở mức cao

Hoàng Nguyễn

Diễn biến thực tế của thị trường cà phê còn sôi động hơn nhiều, đặc biệt trong những ngày cuối tháng 3. Ngày 28.3, giá cà phê tại VN đạt mốc 100.000 đồng/kg, cao nhất mọi thời đại. Chỉ riêng từ đầu tuần đến nay đã tăng 5.000 đồng/kg. Thị trường thế giới tăng liên tiếp 3 phiên với tổng mức tăng 201 USD lên mốc lịch sử mới là 3.559 USD/tấn. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã từ chối bình luận về giá cà phê hiện tại vì… đã tăng quá cao, "vượt quá mọi sự tưởng tượng".

Trước việc giá cà phê tăng dựng đứng, câu hỏi mà nhiều người quan tâm lúc này là sắp tới sẽ diễn biến ra sao. Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh tại H.Krông Nô (Đắk Nông), cho biết: Từ chiều tối 26.3, giá cà phê tại địa phương đã đạt mốc 100.000 đồng/kg sau khi giá thế giới liên tục tăng nhiều ngày trước đó. Giá cà phê cứ tăng khiến nhiều người nắm giữ cà phê không dám bán ra vì sợ lỗ. Điều này làm cho nguồn cung càng khan hiếm, đẩy giá tiếp tục leo thang. Nhiều đơn vị không gom được hàng giao cho đối tác dù đã tăng giá thu mua cao hơn mức bình quân trên thị trường. Cục diện thị trường căng thẳng kéo dài nhưng là sự căng thẳng "ngọt ngào", nhất là với người trồng cà phê. Trước đó, ở mốc giá khoảng 95.000 đồng/kg, nhiều bà con nông dân đã chốt lời trong sự hưng phấn vô cùng.

Cơn sốt giá cà phê đã kéo dài suốt nhiều tháng qua. So với cùng kỳ, giá cà phê hiện tại đã tăng gấp đôi, một mức giá mà ngay chính những người trong ngành này, từ bà con nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia thị trường đều bất ngờ.

Giá hàng loạt nông sản tăng kỷ lục- Ảnh 2.

VN chuẩn bị ký nghị định thư với Trung Quốc cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh và dừa tươi

Hoàng Nguyễn

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa), cho biết: Cơn sốt giá cà phê hiện nay bắt đầu từ niên vụ 2022/23 khi VN không còn hàng tồn kho. Tình trạng thiếu hụt tiếp tục kéo dài đến hiện nay và xảy ra ở nhiều nước sản xuất cà phê khác.

"Từ 4 - 5 năm trước, diện tích cà phê VN đã bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế thấp, trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác, đặc biệt là sầu riêng, đang rất cao. Bà con chặt cà phê thay bằng sầu riêng và một số loại cây khác. Đến khi giá cà phê khởi sắc thì gặp phải tình trạng El Nino gây nắng nóng và khô hạn. Vì thế, về tổng quan là cung vẫn thấp, không đủ cho nhu cầu. Giá cà phê tăng mạnh như hiện nay dĩ nhiên còn nhiều nguyên nhân khác. Nhưng về mặt cung cầu thì xu hướng giá sẽ tiếp tục duy trì mức cao vì cây cà phê không phải cây trồng ngắn ngày, không phải muốn là tăng sản lượng được ngay. Nhưng giá quá cao cũng có thể có những rủi ro của nó", ông Nguyễn Nam Hải nhận định.

Cùng có khởi đầu như mơ trong năm mới phải kể đến mặt hàng rau quả, đặc biệt là sầu riêng. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng tươi đạt tới 172 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 4.417 USD/tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, nguồn cung sầu riêng của VN tại thị trường Trung Quốc vẫn ở thế "một mình một chợ" nên giá trị tiếp tục đạt mức cao. Giá bán sầu riêng xô tại vườn lên đến 100.000 đồng/kg, còn hàng loại một có giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg tùy chất lượng.

Từ tháng 4 trở đi, các tỉnh ĐBSCL bắt đầu vào vụ thu hoạch sầu riêng chính vụ. Sầu riêng chính vụ của VN sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 10 theo các vùng địa lý từ miền Tây sang miền Đông rồi đến các tỉnh Tây nguyên. Nếu tình hình diễn ra bình thường, khi sầu riêng vào vụ thu hoạch rộ, kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN sẽ tiếp tục tăng mạnh. Năm 2023, vào cao điểm chỉ một tháng xuất khẩu sầu riêng đã đạt gần nửa tỉ USD. Cú bứt tốc của sầu riêng đã góp phần quan trọng đưa kim ngạch của ngành rau quả trong quý 1/2024 đạt 1,23 tỉ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số kỷ lục của ngành xuất khẩu rau quả trong quý 1 nhiều năm qua.

Nói về khởi đầu như mơ, không thể quên hồ tiêu. Giá hồ tiêu xuất khẩu đạt 4.153 USD/tấn, tăng 36%. Hiện nông dân các vùng trồng hồ tiêu ở Tây nguyên và Đông Nam bộ đang bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch với giá duy trì ở mức rất cao, lên tới 96.000 đồng/kg, cao hơn đến 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của VN đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá 143 triệu USD giảm 12,3% về lượng, nhưng tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.041 USD/tấn, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2023.

Mở thị trường cho sầu riêng đông lạnh và dừa non

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chuẩn bị ký nghị định thư với VN cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh và dừa tươi. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), phấn khởi: "Trước nay, chúng tôi vẫn xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh qua các thị trường như Thái Lan, Mỹ, EU, Nhật Bản… Thời gian qua, chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ thủ tục để đưa hàng vào thị trường Trung Quốc khi nghị định thư được ký kết. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này từ lâu rồi".

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), phân tích: Thị trường sầu riêng Trung Quốc năm 2023 trị giá gần 7 tỉ USD, trong đó phân khúc hàng đông lạnh có giá trị khoảng 1 tỉ USD do Thái Lan và Malaysia thống trị. Cũng như mặt hàng sầu riêng tươi, khi có thêm nguồn cung từ VN thì dung lượng thị trường càng mở rộng. Tùy theo thời điểm ký nghị định thư, nếu ký sớm có thể kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của VN trong năm 2024 sẽ đạt từ 300 - 400 triệu USD.

Giá hàng loạt nông sản tăng kỷ lục- Ảnh 3.

Xuất khẩu cà phê dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt, giá cao do nhu cầu thế giới tăng mạnh và nguồn cung từ VN hạn chế

Hoàng Nguyễn

"Ngoài những cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh thì đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc này cũng không quá phức tạp. Vì thế, sắp tới sẽ có nhiều đơn vị đầu tư vào khâu này. Những trái sầu riêng đạt chuẩn sẽ được xuất khẩu dạng tươi, còn những trái ngoài chuẩn sẽ được tách lấy cơm, cấp đông. Như vậy, mặt hàng sầu riêng rộng đường xuất khẩu, không lo rớt giá vì "đụng hàng" khi sầu riêng Thái Lan vào vụ thu hoạch", ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Sầu riêng đông lạnh gồm nhiều hình thức như quả sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn, cơm sầu riêng không vỏ. Năm 2023, VN xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 137 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân là 2.632 USD/tấn. Trong 2 tháng đầu năm 2024, mặt hàng sầu riêng đông lạnh đạt 13 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Giá sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tăng lên tới 3.966 USD/tấn, tương đương tăng 47% so với cùng kỳ.

"Nếu việc ký nghị định thư thuận lợi, xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể đạt đến 3,5 tỉ USD, tăng hơn 1 tỉ USD so với năm 2023. Qua đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN cả năm lên 6,5 - 7 tỉ USD", ông Nguyên tính toán.

Những con số nói trên hoàn toàn có cơ sở khi vào tháng 4, thời điểm các tỉnh miền Tây bước vào thu hoạch sầu riêng chính vụ cũng là lúc sầu riêng các tỉnh miền Đông Thái Lan vào mùa hái quả. Năm ngoái, sự cạnh tranh của sầu riêng Thái Lan đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá sầu riêng VN, nhưng năm nay nếu được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh thì giá sầu riêng sẽ tiếp tục duy trì mức cao.

Cùng với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi cũng là mặt hàng chuẩn bị ký nghị định thư với Trung Quốc. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa, hồ hởi: Từ vùng trồng đến các nhà máy chế biến đã sẵn sàng trước cơ hội xuất khẩu dừa tươi vào thị trường 1,4 tỉ dân. Đối với vùng trồng, diện tích dừa ở Nam Trung bộ và Nam bộ thời gian qua tăng khoảng 50.000 ha. Các nhà máy chế biến từ sơ chế đến sản phẩm tiện dụng, giá trị cao cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. 

Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp đầu tư cả phần ống hút đi kèm là sản phẩm "xanh" để đáp ứng các yêu cầu cao nhất về môi trường. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dừa tươi chưa cao trong chuỗi giá trị ngành dừa cũng như rau quả nói chung. Nếu mở cửa được thị trường Trung Quốc, sắp tới dừa tươi có thể là mặt hàng quan trọng. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu quả dừa tươi cũng góp phần xây dựng hình ảnh cho chuỗi giá trị ngành dừa nói chung.

Không ngủ quên trên chiến thắng

Biến đổi khí hậu, hạn hán khắp nơi chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhu cầu nông sản nói chung tăng cao. Thế nhưng, khi giá nhiều nông sản tăng sốc, lại dấy lên những lo ngại về chất lượng. Mới đây, Trung Quốc cảnh báo về chất lượng của 30 lô hàng sầu riêng VN. Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định: Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường Trung Quốc đang khó tính dần lên và giờ họ quan tâm tới những thứ bên trong sản phẩm như dư lượng hóa chất, kim loại nặng... Điều này cũng không khác gì các thị trường EU, Nhật Bản hay Mỹ.

"Sắp bước vào tháng 4, thời điểm nguồn cung sầu riêng từ Thái Lan quay lại thị trường Trung Quốc. Điều này nhắc nhở chúng ra rằng nếu không đảm bảo tốt chất lượng thì rất có thể gặp nhiều rắc rối. Để tránh tình trạng này tái diễn, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật; thường xuyên cập nhật các yêu cầu thị trường để kịp thời điều chỉnh, khuyến cáo người dân. Đối với bà con nông dân, cần nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, ít nhất phải chuẩn VietGAP. Chúng ta cần chăm chút chất lượng nhiều hơn nữa cho trái sầu riêng", ông Nguyên khuyến cáo.

Là một trong những chuyên gia kinh tế có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) TP.Cần Thơ, lo lắng: Theo quy luật, khi giá cả hàng hóa tăng cao, người sản xuất sẽ chạy theo sản lượng để chớp lấy cơ hội nhất thời mà ít tập trung vào vấn đề chất lượng. Tuy nhiên, không thể có mặt hàng nào tăng giá mãi, sẽ đến lúc bão hòa và rồi quay đầu giảm. Lúc đó chuỗi cung ứng sẽ gặp vấn đề là cung vượt cầu, gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng cho việc này ngay trong chính các mặt hàng nông sản của VN.

Vì thế, theo TS Võ Hùng Dũng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng trong việc giữ cho hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng. Ví dụ, với mặt hàng sầu riêng xuất khẩu, chúng ta cần đảm bảo tuân thủ các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu khác về chất lượng của thị trường tiêu thụ. 

Để đáp ứng được yêu cầu đó, khâu đầu tiên là tổ chức sản xuất. Người nông dân cần được liên kết lại trong các mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã thật sự hiệu quả. Các mô hình sản xuất quy mô lớn này sẽ là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. Khi trong cùng một tổ chức và có liên kết với đầu ra ổn định, sẽ hạn chế được tình trạng "bẻ kèo", sản xuất không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

Các mối liên kết ngang và liên kết dọc trong chuỗi giá trị sẽ là những người giám sát để giữ được chất lượng hàng hóa ổn định. Từ đó, họ có thể ký kết các hợp đồng dài hạn với tỷ lệ phân chia lợi nhuận hợp lý. Khi đó, các chuỗi giá trị nông sản sẽ phát triển tốt, hạn chế được các tác động tiêu cực từ thị trường.

Bên cạnh đó, VN vẫn là nước nhỏ, nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, Nhà nước cũng cần tổ chức những hiệp hội ngành hàng thực chất và đủ mạnh. Những đơn vị này cũng cần được đầu tư khoa học công nghệ, kiến thức kinh tế thị trường, đàm phán quốc tế… Điều này sẽ giúp việc mở cửa giao thương quốc tế được thuận lợi hơn. Chỉ có những hiệp hội ngành hàng mạnh, hiểu rõ việc sản xuất và thị trường mới có thể đảm bảo quyền và lợi ích cho từng chuỗi giá trị hàng hóa.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, còn nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: gỗ đạt 2,3 tỉ USD, tăng 27%; gạo đạt gần 2,1 triệu tấn tương đương 1,4 tỉ USD, tăng 12% về lượng và 40% về giá trị. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 661 USD/tấn, tăng 5%.

Dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2024 bởi tác động của hiện tượng El Nino vẫn còn kéo dài. Nhiều khách hàng nhập khẩu gạo lớn của VN như Philippines dự báo vẫn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 4 triệu tấn. Đứng thứ hai là Indonesia với sản lượng 3,6 triệu tấn… Bên cạnh đó là việc quay trở lại thị trường của đất nước 1,4 tỉ dân Trung Quốc.

Giá hàng loạt nông sản tăng kỷ lục- Ảnh 4.

NGUỒN: BỘ NN-PTNT - ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Giá hàng loạt nông sản tăng kỷ lục- Ảnh 5.

NGUỒN: TỔNG HỢP - ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.