Giá heo giảm khi có chỉ đạo ?

Chí Nhân
Chí Nhân
20/10/2018 17:24 GMT+7

Trong một tuần qua giá heo hơi trong xu hướng giảm. Nhìn lại những lần giảm giá gần đây cho thấy nghi vấn nhiều doanh nghiệp lớn đầu cơ càng rõ.

Giá heo hơi hiện tại ở miền Bắc đã xuống dưới mức 50.000 đồng/kg, các tỉnh miền Trung quanh mức 50.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam trung bình khoảng 52.000 đồng/kg. So với cuối tuần trước mặt bằng giá heo hơi giảm khoảng 5.000 đồng/kg.
Việc giảm giá heo hiện nay có thể xem là hiệu ứng từ cuộc họp trước đó của ngành chức năng. Cụ thể chiều 9.10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã họp với doanh nghiệp chăn nuôi, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước để bàn các giải pháp bình ổn giá thịt heo. Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi nhận định, có hiện tượng doanh nghiệp tạo tâm lý khan hàng để đẩy giá lên cao bởi giá heo Việt Nam hiện nay nằm trong tay các doanh nghiệp lớn trong nước quyết định. Như nói trên, sau cuộc họp này, giá heo đã giảm được khoảng 5.000 đồng/kg
Nhìn lại trước đó, thời điểm đầu quý 2 khi giá heo hơi bắt đầu tăng. Đến đầu tháng 8 lên tới 55.000 đồng/ kg, ngành chăn nuôi kêu gọi các địa phương “kềm giá” không để vượt quá 50.000 đồng/kg. Một tuần sau đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp ổn định thị trường thịt heo. Nhận lệnh chỉ đạo, giá heo hạ nhiệt trong khoảng 10 ngày. Tuy nhiên sau đó, giá heo quay lại xu hướng tăng giá dù ngành chức năng tuyên bố không có tình trạng khan hiếm.
Hai dẫn chứng trên cho thấy, giá heo chỉ giảm khi có chỉ đạo của cơ quan chức năng chứ không phải dựa trên nguyên tắc cung cầu của thị trường. Chính vì vậy nhiều người lo ngại trong thời gian tới giá heo sẽ tiếp tục tăng trở lại.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thay vì dùng các biện pháp hành chính có Nhà nước có thể dùng các biện pháp kĩ thuật. Ví dụ nếu giá heo tăng đến một mức nào đó chứng tỏ cầu vượt cung, ta phải tăng nhập khẩu thịt heo để bình ổn giá trong nước. Vì giá tăng quá cao người chăn nuôi sẽ đẩy mạnh tái đàn ồ ạt và 2 năm sau đó sẽ rơi vào khủng hoảng thừa như trước đây.
Đáng nói, giá heo tăng cao nhưng người chăn nuôi chưa được hưởng lợi mà rơi hết vào túi doanh nghiệp. "Trước đây thua lỗ đa phần nông dân “treo” chuồng nên bây giờ tái đàn họ phải mua con giống, lo tái đàn trong khi thức ăn giá cao mà chưa biết lời lỗ thế nào. Còn các doanh nghiệp đang thu lợi ít nhất từ con giống và thức ăn hiện tại.
Để đối phó với tình trạng tăng đàn ồ ạt và nguy cơ khủng hoảng thừa trong thời gian tới, theo các chuyên gia, phải tính đến tăng cường kiểm soát chất lượng môi trường chăn nuôi tại các trang trại lớn. Đây là thời điểm thuận lợi buộc các doanh nghiệp chăn nuôi phải chấp hành nghiêm cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp chăn nuôi FDI hưởng lợi, gây ô nhiễm môi trường
Tại Đồng Nai, gần đây HĐND tỉnh tổ chức giám sát về môi trường chăn nuôi tại 2 huyện Thống Nhất và Xuân Lộc (Hai địa phương có tổng đàn heo, gà lớn nhất tỉnh). Đây cũng là nơi đang khiến nhiều người dân bức xúc vì tình trạng nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dù tỉnh, huyện, xã đã phối hợp để phát hiện, xử lý các trang trại cố tình gây ô nhiễm, nhưng thực tế vẫn chưa “trị” được tận gốc. Điều đáng nói là những trang trại có nước thải, khí thải gây ô nhiễm nghiêm trọng phần lớn là của các công ty đầu tư để nuôi gia công cho doanh nghiệp nước ngoài (FDI) hoặc cho doanh nghiệp FDI thuê chuồng trại để nuôi. 
Hậu quả khi các trang trại không chấp hành đầy đủ việc bảo vệ môi trường lại rất nặng nề. Nhiều con sông, suối bị ô nhiễm khiến cả ngàn hécta cây trồng không có nước tưới, hoặc phải tưới nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông sản. Không ít trang trại vẫn tìm cách “đối phó” chưa xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.
                                                                         (theo baodongnai.com.vn)


 




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.