Các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê được phát hiện từ năm 2014. Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga) tiếp tục có những phát hiện gây chấn động về quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá.
Năm 2018, cuộc khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng - Gò Đá được Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga) và Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai thực hiện đã ghi nhận ở thung lũng An Khê tồn tại một cộng đồng cư dân cổ. Niên đại của các di tích ở An Khê đã dần được khẳng định với các chứng cứ về địa tầng, loại hình di vật và kết quả phân tích bằng phương pháp K/Ar các mảnh thiên thạch cho thấy loài người đã sinh sống cách đây trên dưới 800.000 năm. Đây là những phát hiện có tiếng vang lớn, gây kinh ngạc thế giới về sơ kỳ thời đại đá cũ ở nam Tây nguyên.
Nhiều hiện vật khai quật từ quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá đã được đem ra trưng bày, đồng thời khu vực di tích cũng được ngành chức năng và địa phương quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Và với hàng ngàn hiện vật khai quật được, các nhà nghiên cứu đã có nhận định bước đầu rằng: So với di tích sơ kỳ khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, kỹ nghệ đá cũ An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn.
Từ năm 2015 đến nay, những phát hiện nói trên dần được công bố trên các tạp chí, hội nghị, hội thảo quốc tế. Hiện các nhà quản lý đang có những bước đi phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ và quảng bá di tích Rộc Tưng - Gò Đá.
Bình luận (0)