Giữ rừng mùa sấy thuốc lá
Krông Pa là địa phương có diện tích và sản lượng thuốc lá vàng đứng đầu Gia Lai với trên 2.000 ha, tập trung ở các xã Phú Cần, Chư Gu. Với năng suất dao động từ 2,8 - 3 tấn khô/ha và giá trên dưới 55.000 đồng/kg, nông dân thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ (3 tháng).
Hiện nhiều doanh nghiệp, đại lý, người dân tham gia vào việc trồng, thu mua cây thuốc lá vàng trên địa bàn huyện này. Loại cây này giúp 700 - 800 hộ đang trồng có của ăn của để trong nhiều năm qua. Đời sống của họ tốt dần lên, tạo nên những vùng dân cư trù phú nơi vùng đất nóng được ví là “chảo lửa” của Gia Lai.
Mô hình lò sấy thuốc lá công nghệ cao đang được nông dân H.Krông Pa áp dụng |
TRẦN HIẾU |
Song, cứ gần đến mùa sấy thuốc lá, các cơ quan chức năng của H.Krông Pa và các địa phương lân cận lại đối mặt với nạn khai thác củi để phục vụ các lò sấy. Ngoài phụ, phế phẩm dùng để sấy, người dân còn dùng củi được khai thác trong vườn nhà, củi lòng hồ các công trình thủy…, không loại trừ người dân lén lút vào rừng tìm củi về sấy thuốc lá.
Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Krông Pa cho biết: “Cứ mỗi ha thuốc lá, người dân cần khoảng 8 - 10 ster củi để sấy. Tình trạng người dân lén lút vào rừng tự nhiên để lấy củi trái phép là áp lực lớn đối với chúng tôi trong công tác bảo vệ rừng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng rừng giảm. Đáng mừng là thời gian gần đây, khi người dân rầm rộ chuyển sang sấy thuốc lá bằng điện, bằng viên trấu và những phụ phế phẩm khác, tình trạng vào rừng lấy củi về sấy thuốc lá đã giảm đáng kể”.
Nhờ đó, nạn phá rừng ở H.Krông Pa giảm hẳn. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện này chỉ phát hiện, xử lý 33 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm hơn 2/3 số vụ so với những năm trước.
Tin vui cho nhiều phía
Nông dân H.Krông Pa đã và đang chuyển sang những lò sấy bằng điện vừa đạt hiệu quả cao trong từng mẻ sấy lại tiết kiệm được chi phí.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân ở xã Chư Gu, việc áp dụng công nghệ sấy bằng điện, tiết kiệm nguyên liệu lẫn công cán. Ngày trước nông dân phải xâu thuốc lá thành xâu rồi dùng sào gác lên lò, nay chỉ cần trải lá thuốc lên sàn là ổn. Có cảm ứng về nhiệt nên không sợ cháy lò hay thuốc không đạt. Mỗi mẻ sấy trên dưới 6 tấn thuốc lá tươi với thời gian 6 - 7 ngày.
Áp dụng công nghệ sấy bằng điện, tiết kiệm nguyên liệu lẫn công cán |
TRẦN HIẾU |
“Trước đây, chi phí sấy cho mỗi ha thuốc lá từ 12 - 15 triệu đồng, khi áp dụng công nghệ này, chi phí sấy giảm khoảng 20 - 30%. Công nghệ này được các công ty đưa về từ Brazil có giá 75 triệu đồng… Nhưng nay thợ cơ khí của địa phương đã chế tạo được với giá thành trên dưới 50 triệu đồng. Ưu điểm nữa là có thể cải tạo lò sấy cũ khi áp dụng công nghệ mới”, ông Hòa cho biết thêm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND H.Krông Pa, nói: “Rất nhiều nông dân đã và đang chuyển sang sử dụng công nghệ này để sấy thuốc lá vì được lợi nhiều thứ. Chúng tôi cũng giảm áp lực về bảo vệ rừng trong mùa sấy thuốc lá. Huyện đã làm việc với các ngành chức năng để tìm thêm nguồn hỗ trợ bà con, song song với việc vận động họ chuyển đổi lò sấy theo công nghệ mới. Đấy cũng là giải pháp canh tác bền vững từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm…”.
Bình luận (0)