Dù có hay không có con đi du học nhưng với những gì đang diễn ra, nhất là với "sàn giao dịch chứng khoán” tuyển sinh lớp 10 năm nay ở Hà Nội và những vụ lùm xùm gian lận điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì hẳn rằng có không ít người đang ước giá mà có điều kiện để cho con đi du học!
Tôi không chê chất lượng của nền giáo dục trong nước nhưng với những vấn đề nổi cộm đáng lo lắng được báo chí đưa tin trong thời gian qua, tôi không thể không muốn: giá như có thể cho con đi du học.
tin liên quan
Đừng để thầy cô phải canh cánh nỗi lo bị cắt hợp đồngLàm sao lại không ước giá như có thể cho con đi du học khi mà chỉ riêng việc nộp đơn học lớp 10 cho con, phụ huynh của năm 2018 vẫn phải xếp hàng nửa đêm như nhiều năm về trước? Làm sao có thể không mơ ước giá được cho con đi du học sau mấy ngày bấn loạn vì đòn cân não “nộp hồ sơ trường nào” và “làm thế nào để rút được hồ sơ ra” trước cảnh công bố điểm chuẩn như sàn chứng khoán? Có bao nhiêu phụ huynh đã phải vất vả, bỏ công bỏ việc, chạy ngược chạy xuôi để nộp hồ sơ, nộp các loại lệ phí, khoản đóng góp để rồi khi muốn rút hồ sơ thì vừa cực khổ lại vừa không lấy lại được tiền đã đóng vào. Nhìn cảnh này lại nhớ mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Phải chăng áp lực có một chỗ để học đã chuyển từ bậc đại học xuống phổ thông?
Làm sao có thể yên tâm, không đẩy con vào cuộc đua học thêm, luyện thi đến không còn thời gian để ngủ, phải ăn vội ăn vàng trên yên xe máy khi mà chỉ tiêu trường công thì luôn ít hơn số học sinh có nhu cầu còn học phí trường tư không phải ai cũng theo nổi. Và khi cả phụ huynh lẫn học sinh đều phải “sống trong sợ hãi” vì nỗi ám ảnh trượt trường công thì hỏi sao người ta lại không mong giá có đủ tiền để cho con đi du học? Không lẽ lại ước giá có thể gửi con về quê học trường làng để trút đi gánh nặng chạy một chỗ trong trường công?
tin liên quan
Thầy cô đừng để học sinh tìm đến cái chếtAi cũng biết phải đổi mới để không lạc hậu, để bắt kịp xu thế của thời đại nhưng cứ 2, 3 năm thậm chí cứ mỗi năm một lần đổi mới thì lại trở thành gánh nặng quá sức chịu đựng của phụ huynh. Sách giáo khoa mua cho thằng anh dùng được một lần rồi thôi vì 3, 4 năm sau đến lượt đứa em thì đúng lúc Bộ GD-ĐT cho thay sách giáo khoa hoặc nhà trường đổi sang bộ sách khác. Mà giá tiền của mỗi bộ sách đâu phải ít. Trường tiểu học của con gái tôi cách đây 2 năm dùng sách tiếng Anh khác với bộ sách hiện tại nên dù được hàng xóm cho sách, con tôi vẫn phải mua sách mới. Thử hỏi làm sao tôi không xót tiền vì cuốn sách gần 100.000 đồng lại chỉ dùng được 1 lần?
Tôi ủng hộ chương trình VNEN nhưng tôi không thể yên tâm khi mà con tôi đang quen với cách học của VNEN ở bậc tiểu học thì lên THCS lại quay về với chương trình bình thường vì trường THCS đúng tuyến của con tôi không thực hiện VNEN. Vậy là hai trường tiểu học nằm cách nhau 2 km, một trường áp dụng VNEN, một trường không nhưng học sinh tốt nghiệp xong lại cùng vào một trường THCS đúng tuyến.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước mỗi năm dành nguồn kinh phí không nhỏ để đầu tư cho giáo dục. Các gia đình cũng không tiếc tiền bạc, công sức đầu tư cho sự nghiệp học hành của con cái. Có không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ ngoài giờ đi làm còn miệt mài “chạy xe ôm” cho con từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác. Thậm chí có trung tâm học thêm khi tổ chức thi tuyển xếp lớp còn đông như hội và chỉ tiêu ít hơn số học sinh đăng ký. Dư luận không ngừng thán phục trước một học sinh nào đó nhận được những học bổng từ các trường đại học danh tiếng của thế giới như Harvard, Oxford… Chính vì vậy, mỗi khi Bộ GD-ĐT đưa ra một đề án trăm tỉ, ngàn tỉ nào đó là cả xã hội tập trung chú ý, hồi hộp chờ đợi, tràn trề hy vọng. Nhưng rồi hiệu quả thực tế của các đề án đó trong những năm qua mà điển hình là đề án ngoại ngữ 2020 đã làm cho nhiều người phải e ngại vì những con số nhảy múa và cả hiệu quả thực tế mà nó đem lại.
Với tất cả những lo ngại đó, tôi tin nhận định “con số 3-4 tỉ USD cũng còn ít, nếu người ta có tiền, chắc chắn nó sẽ lên tới 30 tỉ hoặc hơn” của ông Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện giáo dục IRED, là hoàn toàn có cơ sở.
Mời tham gia cộng tác chuyên mục 'Người thầy' trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần sự tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy trên Thanh Niên Online địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên - Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)